Theo FDA, phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reactions –ADR) được định nghĩa là “phản ứng độc hại, không định được trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu”. Năm 2022, có hơn 1.25 triệu báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng và gần 175.000 ca tử vong do ADR. Tác dụng không mong muốn của thuốc làm tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong và tăng chi phí chăm sóc cho người bệnh. [4], [6]

Trong điều trị nha khoa, một số nhóm thuốc mà các nha sĩ thường sử dụng như thuốc tê tại chỗ (local anesthetics –LA), thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (nito oxit, benzodiazepine, thuốc gây mê toàn thân), thuốc giảm đau (NSAID, paracetamol, opioid) và thuốc kháng sinh (penicillin, metronidazole, clindamycin,…). Kháng sinh và thuốc giảm đau là 2 nhóm thuốc gây ADR phổ biến nhất trên toàn cầu. Việc sử dụng kháng sinh cần đặc biệt quan tâm nhằm tránh tương tác thuốc làm giảm hiệu quả thuốc, tránh tình trạng vi khuẩn đề kháng thuốc cũng như tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng. [2], [5]

Trong điều trị nha khoa, hầu hết các kháng sinh được kê đơn thường dẫn đến rối loạn tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn,… Cụ thể:

  • Có khoảng 2-10% trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh.
  • Khoảng 25% trường hợp tiêu chảy do sử dụng Augmentin.

Tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa có thể tiến triển dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng cơ hội như nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn Clostridium difficile (thường gặp khi sử dụng Clindamycin). [3]

ADR của một số kháng sinh thường kê đơn trong điều trị nha khoa

Beta-lactam

Kháng sinh nhóm penicillin:

  • Một số tác dụng phụ của thuốc: nổi ban, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, kích ứng dạ dày, tiêu chảy), phản ứng quá mẫn trên da (khoảng 10% dân số dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin). [5]
  • Amoxicillin + acid clavulanic: gây độc tính trên gan, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, nhiễm trùng Candida hoặc nhiễm C.difficile.

Kháng sinh nhóm Cephalosporin:

  • Phản ứng quá mẫn giống penicillin.
  • Tăng nguy cơ nhiễm nấm hoặc nhiễm Candida albicans. [1]

Nitroimidazole

  • Lưu ý tương tác thuốc metronidazole với thuốc, chế phẩm hoặc đồ uống có chứa cồn, propylen glycol do dẫn đến phản ứng giống disulfiram.
  • Một số tác dụng phụ nghiêm trọng: co giật, cảm giác tê tay chân. [1]

Macrolid

  • Không sử dụng trên bệnh nhân xơ gan tiến triển do có thể dẫn đến suy gan, thậm chí tử vong.
  • Sử dụng đồng thời với digoxin dẫn đến một số triệu chứng ngộ độc digitalis (buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, lú lẫn,…) do ức chế quá trình thải trừ digoxin làm tăng nồng độ thuốc trong máu.[3]
  • Erythromycin: gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, độc tính trên gan. Chống chỉ định sử dụng đồng thời với simvastatin, colchicine và không chỉ định trên bệnh nhân đang bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Azithromycin, Clarithromycin: tác dụng phụ thường gặp như rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy), không kê đơn trên bệnh nhân có dị ứng với erythromycin. [1]

Lincosamid

  • Clindamycin: tác dụng phụ thường gặp buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng da, viêm gan, giảm bạch cầu, thay đổi công thức máu, mất bạch cầu hạt, viêm đại tràng giả mạc. [1]
Hình 1. Bảng tóm tắt ADR của một số kháng sinh thường sử dụng trong điều trị nha khoa. [5]

Tóm lại, việc kê đơn kháng sinh không cần thiết có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng như vi khuẩn đề kháng kháng sinh, gây tác dụng phụ trên da và đường tiêu hóa, thay đổi hệ vi khuẩn trong cơ thể. Do đó, nhằm hạn chế các vấn đề trên cần kê đơn kháng sinh có phổ kháng khuẩn hẹp, nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh và trong một số trường hợp nhiễm trùng cấp tính. [1]

Nhận biết, quản lý và báo cáo các biến chứng ADR là một phần quan trọng đối với việc tuân thủ dùng thuốc, cải thiện hiệu quả trên lâm sàng và sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Để làm giảm nguy cơ xảy ra ADR và tăng tuân thủ điều trị, bệnh nhân cần được đánh giá tiền sử dùng thuốc, tư vấn về ADR của thuốc trước khi bắt đầu kê đơn và sử dụng. [5]

Tài liệu tham khảo

1. Ahmadi, Hanie, Ebrahimi, and et.al. (2021), Antibiotic Therapy in Dentistry, International Journal of Dentistry, 6667624, 10 pages, 202.
2. Anastasiia Vladimirovna Shefova, Andrey Olegovich Galustyan, Angelina Olegovna Shershneva (2021), Allergic Reaction of the Body to Drugs Used in Dental Practice, Journal of Pharmaceutical Research International, 33(48A): 182-187.
3. Aviv Ouanounou, Kester Ng, Peter Chaban (2020), Adverse drug reactions in dentistry, International Dental Journal, 70 (2), pp. 79-84.
4. Kommu S, Carter C, Whitfield P (Updated 2024 Jan 10), Adverse Drug Reactions, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
5. Padayachee N., Matesun D., Matlala, M. (2023), Adverse drug reactions, a guide for dentists, South African Dental Journal, 78(1), 32-36.
6. Trung tâm DI & ADR Quốc gia (truy cập ngày 17/12/2024), Phản ứng có hại của thuốc, http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/phanungcohai.aspx

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA