Bệnh nha chu là bệnh liên quan đến các bộ phận, thành phần xung quanh răng. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nha chu có thể làm phá hủy mô nha chu, cuối cùng dẫn đến mất răng. Bệnh không gây đau nhưng có thể gây áp xe, chảy máu nướu răng và hôi miệng.
Định nghĩa bệnh nha chu
Nha chu là các bộ phận, thành phần xung quanh răng, bao gồm mô nướu, xương ổ răng, men răng và dây chằng nha chu.
Bệnh nha chu là bệnh liên quan đến phản ứng viêm của nướu và mô liên kết xung quanh răng đối với vi khuẩn tích tụ trong mảng bám răng. Bệnh nha chu được chia ra thành viêm nướu và viêm nha chu. Viêm nướu là tình trạng vi khuẩn tích tụ vào các mảng bám nằm giữa đường nướu và răng và là bệnh nha chu nhẹ nhất, phổ biến nhất, có thể hồi phục sau khi cải thiện được tình trạng vệ sinh răng miệng. Viêm nha chu là tình trạng viêm nướu tiến triển dẫn đến sự mất bám dính nha chu với răng và sau đó tiến triển thành mất răng. [1] [2]
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng một số vi khuẩn kỵ khí đặc trưng như Treponema denticola, Porphyromonas gingivalis, một số vi khuẩn hiếu khí như Actinobacillus actinomycetemcomitans. Vi khuẩn có trong mảng bám tiếp xúc với mô tạo ra nhiều hợp chất như (H2S, NH3, amin, độc tố, enzyme, kháng nguyên,…), cơ thể phản ứng lại bằng quá trình viêm, cuối cùng dẫn đến lỏng và mất mô nâng đỡ nha chu, hình thành túi nha chu, lung lay răng và mất răng. [2]
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu
- Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm: hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém, đái tháo đường, mang thai.
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được: tuổi, di truyền.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng trong nguyên nhân gây bệnh nha chu. Trong nhóm người bị viêm nha chu mãn tính, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh nha chu gấp 5-20 lần so với người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá còn giảm đáng kể hiệu quả điều trị bệnh nha chu.
Một số yếu tố liên quan với bệnh nha chu ở người hút thuốc lá như: mức độ mất xương, mất bám dính, có túi nha chu sâu.
Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng không đúng kỹ thuật có thể làm vi khuẩn tích tụ trên mảng bám răng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí xâm nhập vào những vùng sâu hơn của nha chu gây viêm nướu và có khả năng tiến triển thành viêm nha chu.
Vệ sinh răng miệng không thường xuyên là nguyên nhân khởi phát và tiến triển bệnh nha chu.
Đái tháo đường
Đái tháo đường làm tăng phá hủy nha chu, giảm khả năng làm lành vết thương và là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nha chu.
Mang thai
Khi mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi làm thúc đẩy phản ứng viêm trong viêm nướu và viêm nha chu. Thay đổi nồng độ estrogen sẽ ảnh hưởng đến tình trạng viêm nướu.
Hormone của người mẹ có mối tương quan đến mức độ nhiễm Porphyromonas gingivalis, vi khuẩn liên quan đến quá trình tiến triển bệnh nha chu.
Tuổi
Ở người cao tuổi, cơ thể thường tăng tập hợp các tế bào viêm, giảm khả năng khéo léo (liên quan đến hoạt động vệ sinh răng miệng) làm tăng phản ứng viêm và tăng mức độ mảng bám răng.
Di truyền
Một số bệnh rối loạn hệ thống có liên quan đến bệnh nha chu như hội chứng Down, hội chứng Ehlers-Danlos (loại IV và VIII) và bệnh Crohn. [1]
Triệu chứng
Bệnh nha chu thường không gây đau nhưng khi đến giai đoạn răng lung lay có thể gây khó chịu khi nhai. Ngoài ra, thức ăn đọng lại trong túi nha chu dẫn đến vi khuẩn phát triển đột ngột, có thể dẫn đến áp xe, gây đau. [2]
Biến chứng
Bệnh nha chu nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tăng phá hủy nha chu, bao gồm dây chằng nha chu và xương ổ răng, cuối cùng dẫn đến mất răng.
Bệnh nha chu được chứng minh có liên quan đến một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh tim mạch, trẻ sinh non nhẹ cân.
Đái tháo đường
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu. Bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh nha chu có nguy cơ tử vong cao gấp 3,2 lần so với người tiểu đường không mắc bệnh nha chu.
Bệnh nhân đái tháo đường thường bị giảm khả năng lành vết thương, giảm đáp ứng miễn dịch và tăng phân hủy collagen dẫn đến tăng phá hủy nha chu. Ngoài ra, tăng đường huyết còn giúp tăng khả năng phát triển của vi khuẩn góp phần làm nghiêm trọng thêm bệnh nha chu.
Bệnh tim mạch
Protein C phản ứng (CRP) là dấu ấn sinh học của quá trình viêm, là yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch và các biến cố tim mạch. CRP tăng cao ở người mắc bệnh nha chu và có mối liên hệ giữa mức độ vi khuẩn trong bệnh nha chu và chứng xơ vữa động mạch.
Trẻ sinh non nhẹ cân
Có mối liên quan đáng kể giữ người mẹ mắc bệnh nha chu trong thời kỳ mang thai với cân nặng của trẻ sơ sinh nhẹ cân. [1]
Điều trị
Tiếp cận từng bước trong điều trị nha chu. Trong giai đoạn đầu cần:
- Làm sạch răng:
- Cạo vôi răng để loại bỏ mảng bám và vôi răng ở trên và dưới đường nướu.
- Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách tại nhà.
- Tái khám để đánh giá lại tình trạng nha chu sau khi làm sạch răng.
Quản lý các yếu tố nguy cơ gây bệnh là quan trọng nhất trong điều trị bệnh nha chu. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh nha chu bao gồm: vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, đái tháo đường.
Nếu sử dụng các liệu pháp không dùng thuốc trên bệnh nha chu dai dẳng mà không cho đáp ứng, cần sử dụng thuốc kháng sinh (tại chỗ hoặc toàn thân, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh).
Chlorhexidine gluconate: dùng để hỗ trợ trong điều trị nha chu bằng phương pháp cơ học. Thường có trong nước súc miệng kết hợp với đánh răng thường xuyên có thể làm giảm tích tụ mảng bám răng và mang lại lợi ích trong điều trị viêm nha chu mãn tính.
Kháng sinh toàn thân cũng được chỉ định, có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp, một số kháng sinh được kê đơn phổ biến như:
- Hợp chất Nitro-imidazol
Metronidazole được chứng minh làm cải thiện đáng kể sức khỏe nha chu sau khi dùng trong 1 tuần. Metronidazole kết hợp với cắt bỏ mô cho đáp ứng lâm sàng tốt ở bệnh nhân mắc bệnh nha chu tiến triển với độ sâu túi nha chu ≥6mm. [2]
- Macrolid
- Penicillin
- Tetracyclin,…
Phẫu thuật nha chu có thể được thực hiện trong trường hợp bệnh nha chu nặng hơn bằng cách làm sạch túi nha chu, cố gắng lấy lại xương và mô bám dính bị mất. [1]
Dự phòng
Thay đổi một số yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được như:
- Giảm hút thuốc lá
- Tăng cường vệ sinh răng miệng
- Khám răng định kỳ.
Theo dõi và điều trị các bệnh có liên quan đến bệnh nha chu như bệnh đái tháo đường. [1]
Tài liệu tham khảo
- Gasner NS, Schure RS (cập nhật ngày 10/04/2023), Periodontal Disease, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
- Loesche WJ (1996), Microbiology of Dental Decay and Periodontal Disease, Medical Microbiology 4th edition, Chapter 99.