Bệnh nha chu hoại tử bao gồm viêm nướu hoại tử (necrotizing gingivitis – NG), viêm nha chu hoại tử (necrotizing periodontitis – NP) và viêm miệng hoại tử (necrotizing stomatitis – NS). Đặc điểm điển hình của bệnh là tình trạng nướu hoại tử, đau, chảy máu hoặc thậm chí là hoại tử xương. Các mô nướu hoại tử được bọc bởi lớp giả mạc chứa protein huyết tương và bạch cầu. Bệnh nha chu hoại tử có thể dẫn đến cam tẩu mã (được biết đến với tên noma hay Cancrum Oris), là một bệnh nhiễm trùng hoại thư cấp tính các mô trên khuôn mặt. [2], [3]

Hình 1. Viêm nướu hoại tử có giả mạc [2]

Nguyên nhân

Các vi khuẩn liên quan đến bệnh gồm Fusobacteria, Prevotella intermedia, Porphyromonas gingivalisTreponema spp.. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh chính xác vẫn chưa được xác định. Bệnh thường xuất hiện ở nhóm người từ 18 đến 30 tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng và người bị suy giảm miễn dịch. Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tiến triển bao gồm hút thuốc lá, căng thẳng, suy dinh dưỡng nặng và vệ sinh răng miệng kém. [1], [2]

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm đau dữ dội (khác biệt so với một số bệnh nha chu thông thường không gây đau) và hôi miệng. Bệnh có xu hướng phát triển nhanh chóng (có thể gây mất bám dính nha chu chỉ trong vài ngày) và có thể dẫn đến một số dấu hiệu toàn thân như nổi hạch, sốt, và cảm giác khó chịu. [2]

Điều trị

  • Biện pháp điều trị tại chỗ: lấy cao răng, đánh bóng, hướng dẫn vệ sinh răng miệng.
  • Kháng sinh (khuyến cáo như biện pháp hỗ trợ cho điều trị tại chỗ khi bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng toàn thân):
    • Metronidazole
    • Amoxicillin (thuốc thay thế khi có chống chỉ định với metronidazole). [1], [3]
Hình 2. Liều dùng Metronidazole trong điều trị bệnh nha chu hoại tử [3]
Hình 3. Liều dùng Amoxicillin trong điều trị bệnh nha chu hoại tử [3]
  • Giảm đau bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): dùng khi cần thiết.
  • Điều trị phẫu thuật có thể thực hiện sau khi hoàn thành biện pháp điều trị tại chỗ: phẫu thuật chỉnh hình nướu, phẫu thuật tạo xương. [2]

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ môn Bệnh học miệng Khoa Răng Hàm Mặt (2022), Kê đơn kháng sinh trong răng hàm mặt, Đại học Y Dược TP. HCM.
  2. Gasner NS, Schure RS (Updated 2023 May), Necrotizing Periodontal Diseases,  In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
  3. Palmer, N. (Ed) (2020), Antimicrobial Prescribing in Dentistry: Good Practice Guidelines. 3rd Edition. London, UK: Faculty of General Dental Practice (UK) and Faculty of Dental Surgery.

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA