Theo thống kê từ Tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch (cardiovascular disease – CVD) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong với khoảng 17,9 triệu người tử vong trong năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Bệnh tim mạch là các rối loạn về tim và mạch máu bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh thấp tim, thuyên tắc phối,… Việc xác định và điều trị cho người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể ngăn ngừa tử vong sớm. [3]

Bệnh nha chu (Periodontal disease) đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính mô và các cấu trúc hỗ trợ xung quanh răng. Bệnh nha chu có thể ảnh hưởng đến khoảng 19% dân số trưởng thành với hơn 1 tỷ trường hợp trên toàn cầu. Một số triệu chứng của bệnh nha chu bao gồm chảy máu, sưng, đau và hôi miệng, bệnh nha chu nghiêm trọng có thể dẫn đến tụt nướu, mất bám dính nha chu và mất xương hỗ trợ dẫn đến lung lay và đặc biệt là mất răng. Vệ sinh răng miệng kém và hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nha chu. [4]

Bệnh tim mạch (CVD) và bệnh nha chu (PD) là những bệnh phổ biến trên toàn cầu và hiện nay, có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa CVD và PD. PD là tình trạng viêm mãn tĩnh dẫn đến viêm toàn thân và một số bệnh toàn thân như bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp,… Bệnh nha chu dẫn đến tăng sản xuất các dấu hiệu và cytokine như protein phản ứng C (CRP), yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-alpha), interleukin-6 (IL-6) và interferon-gamma (IFN-gamma) gây tổn thương nội mô và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa động mạch tiến triển dẫn đến bệnh tim mạch. [1]

Theo báo cáo đồng thuận giữa Liên đoàn Nha chu Châu Âu và Liên đoàn Tim mạch Thế giới (2020) cho thấy bệnh nha chu và bệnh tim mạch có mối liên hệ với nhau. Gần đây, Norhammar và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu bệnh chứng PAROKRANK (Periodontitis and Its Relation to Coronary Artery Disease – Viêm nha chu và mối liên quan đến bệnh động mạch vành) để tìm ra mối liên hệ độc lập giữa bệnh nha chu và nhồi máu cơ tim.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1587 người tham gia được chia thành 2 nhóm: có hoặc không có bệnh nha chu được theo dõi từ nhiều bệnh viện tại Thụy Điển từ năm 2010-2014 (985 người có nha chu khỏe mạnh và 602 người bị viêm nha chu). Dựa vào chẩn đoán nhồi máu cơ tim lần đầu <75 tuổi (Myocardial infraction –MI), mẫu nghiên cứu cũng được phân chia thành 2 nhóm: nhóm có chẩn đoán nhồi máu cơ tim ban đầu (796 người) và nhóm đối chứng (791 người). Để tránh các yếu tố gây nhiễu trong việc xác định mối liên quan giữa bệnh nha chu và bệnh tim mạch bao gồm bệnh đái tháo đường và hút thuốc lá, tất cả người tham gia nghiên cứu phải nhịn ăn và kiêng hút thuốc trong khoảng ít nhất 12 giờ trước khi lấy mẫu máu tĩnh mạch và khám sức khỏe.

Kết quả

Các biến cố đầu tiên liên quan bệnh tim mạch được xác định bao gồm: tử vong, nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ không tử vong, nhập viện do suy tim. Sau khi loại trừ các yếu tố gây nhiễu bao gồm tuổi, hút thuốc lá và bệnh đái tháo đường, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến cố tim mạch ở nhóm có nha chu khỏe mạnh và nhóm mắc bệnh nha chu lần lượt là 19% (187/985) và 29% (174/602).

Hình 1. Các biến cố đầu tiên liên quan đến tim mạch trong thời gian theo dõi tình trạng nha chu các đối tượng nghiên cứu.

Dựa vào đường cong sống sót Kaplan-Meier trong nhóm có chẩn đoán nhồi máu cơ tim ban đầu và nhóm đối chứng cho thấy cả 2 nhóm đều có tình trạng giảm xác suất sống sót không sự kiện (Probability of event free survival) khi có bệnh nha chu.

Hình 2. (A) Thời gian xuất hiện biến cố tim mạch đầu tiên và xác suất sống sót không có sự kiện (Probability of event free survival) ở nhóm có chẩn đoán nhồi máu cơ tim ban đầu (n=796 người, trong đó: đường màu xanh lá là nhóm bệnh nhân không mắc bệnh nha chu với 458 người, đường màu đỏ là nhóm bệnh nhân mắc bệnh nha chu với 338 người; (B) Thời gian xuất hiện biến cố tim mạch đầu tiên và xác suất sống sót không có sự kiện ở nhóm đối chứng (n=791 người, trong đó: đường màu xanh lá là nhóm người không mắc bệnh nha chu với 527 người, đường màu đỏ là nhóm người mắc bệnh nha chu với 264 người).

Tóm lại, người mắc bệnh nha chu có thể gặp các biến cố tim mạch hơn người có nha chu khỏe mạnh. [2]

Tài liệu tham khảo

1. Etta I, Kambham S, Girigosavi KB, and et.al. (2023), Mouth-Heart Connection: A Systematic Review on the Impact of Periodontal Disease on Cardiovascular Health, Cureus, 15(10):e46585.
2. Norhammar, A., Näsman, P., Buhlin, K., and et.al. (updated on September 17, 2024), Does Periodontitis Increase the Risk for Future Cardiovascular Events? Long-Term Follow-Up of the PAROKRANK Study, J Clin Periodontology. 
3. WHO (Cập nhật ngày 11 tháng 06 năm 2021), Cardiovascular diseases (CVDs), https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cardiovascular-diseases-(cvds)
4. WHO (Cập nhật ngày 14 tháng 03 năm 2023), Oral health, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/oral-health

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NHA CHU

MỐI LIÊN HỆ GIỮA HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NHA CHU

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BỆNH NHA CHU VÀ BIẾN CỐ TIM MẠCH

BỆNH NHA CHU VÀ BIẾN CỐ TIM MẠCH