Hiện nay, bệnh quanh implant đang là vấn đề sức khỏe răng miệng được quan tâm nhiều nhất do tỷ lệ mắc bệnh cao, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng (đặc biệt là mất implant) cũng như làm tăng chi phí chăm sóc răng miệng.

Bệnh quanh implant (peri-implant diseases) đặc trưng bởi tình trạng viêm các mô mềm quanh implant do mảng bám quanh implant gây ra. Bệnh bao gồm viêm niêm mạc quanh implant (peri-implant mucositis) và viêm quanh implant (peri-implantitis). Căn cứ vào tình trạng mất xương ổ răng (hay còn được gọi là tiêu xương ổ răng) chỉ xuất hiện ở viêm quanh implant để phân biệt viêm niêm mạc quanh implant và viêm quanh implant. [2]

Viêm niêm mạc quanh implant là tình trạng viêm mô quanh implant với lâm sàng có chảy máu và/hoặc mưng mủ khi thăm dò, không có mất xương trên X-quang.

Hình 1. Viêm niêm mạc quanh implant do lỏng trụ quanh implant

Viêm quanh implant là tình trạng biêm mô mềm quanh implant với lâm sàng có chảy máu và/ hoặc mưng mủ, tăng độ sâu túi khi thăm khám so với lần trước và mất xương trên X-quang. [4]


Hình 2. Chẩn đoán viêm quanh implant. 1a: không có mất xương tại nơi implant trên X-quang; 1b: mất xương tại nơi implant trên X-quang; 1c: chảy máu và/hoặc mưng mủ khi thăm khám lâm sàng; 1d: tăng độ sâu túi khi thăm dò so với lần khám trước. [3]

Nguyên nhân

Tình trạng tích tụ mảng bám quanh implant làm thay đổi hệ vi sinh vật trên bề mặt tiếp xúc giữa mô mềm và implant là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh quanh implant. Một số yếu tố nguy cơ làm tiến triển bệnh như tiền sử mắc viêm nha chu nặng, kiểm soát mảng bám kém, không thực hiện chương trình chăm sóc hỗ trợ quanh implant (SPIC) thường xuyên sau khi cấy implant. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác của bệnh như hút thuốc lá, đái tháo đường, xạ trị, implant tại vị trí khó vệ sinh,… [2]

Chương trình chăm sóc hỗ trợ quanh implant (Supportive peri-implant care – SPIC) sau cấy implant

  • Tái khám được lên lịch vào tuần thứ 6, thứ 12 sau khi cấy implant, sau đó là 3 tháng/lần trong 12 tháng đầu tiên (tương ứng tái khám tại tháng thứ 1,5 ; thứ 3; thứ 6; thứ 9 và thứ 12 sau khi cấy implant). Sau 12 tháng, dựa trên các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân để lựa chọn thời gian tái khám từ 3-6 tháng/lần. Kiểm tra tình trạng vệ sinh răng miệng sau mỗi lần tái khám.
  • Đối với implant sau 3 tháng điều trị có độ sâu túi thăm dò PD ≥5mm và có chảy máu khi thăm dò (BOP) cần điều trị lại (tháo, khử nhiễm bề mặt implant, phục hình) và không sử dụng kháng sinh toàn thân.
  • Đối với implant sau khi được điều trị lại nhưng lâm sàng xấu và/hoặc tình trạng viêm quanh implant trên X-quang tiến triển sẽ chuyển sang điều trị phẫu thuật.
  • Đối với implant di động hoặc gãy implant cần nhổ bỏ. [1]

Nghiên cứu hồi cứu về điều trị viêm quanh implant bằng phẫu thuật không lật vạt kết hợp với khử nhiễm bề mặt implant và sử dụng kháng sinh toàn thân

Nghiên cứu trên 117 bệnh nhân với 338 implant có chẩn đoán viêm quanh implant, trước đó đã được điều trị bằng phẫu thuật không lật vạt. Sau đó, bệnh nhân được kê đơn dùng nước súc miệng chlorhexidine 2 lần/ngày trong 15 ngày. Kháng sinh toàn thân được kê đơn kết hợp với khử nhiễm bề mặt implant. Trong đó, 43 bệnh nhân dùng azithromycin 500mg/lần/ngày trong 3 ngày (36.8%), 36 bệnh nhân dùng metronidazole với liều 500mg x 3 lần/ngày trong 7 ngày (30.7%), 9 bệnh nhân dùng amoxicillin trong 7 ngày (7.7%) và 29 bệnh nhân không dùng bất kỳ kháng sinh nào.

Kết quả

  • Có 111 bệnh nhân (94,9%) với 295 implant (87,3%) không cần thêm bất kỳ điều trị nào trong thời gian theo dõi hậu phẫu, 84 implant có cải thiện lâm sàng nhưng vẫn còn túi và có chảy máu khi thăm khám lâm sàng.
Hình 3. Kết quả mẫu nghiên cứu
  • Phẫu thuật không lật vạt cho hiệu quả trên 54,4% trong tổng số 338 implant được điều trị. Giảm đáng kể các thông số lâm sàng: điểm mảng bám trung bình, BOP, SUP, độ sâu túi thăm dò (PD) giảm đáng kể từ 2,8mm ± 1,7mm,… so với lần khám ban đầu.
Hình 4. Giảm các thông số lâm sàng sau nghiên cứu
  • Một số yếu tố nguy cơ trong điều trị viêm quanh implant như tiền sử viêm nha chu, độ sâu túi khi thăm dò ban đầu (PD). Ngược lại, tuân thủ chương trình chăm sóc hỗ trợ quanh implant (SPIC) sau cấy implant, bề mặt gia công implant và sử dụng kháng sinh toàn thân (azithromycin, metronidazole) là yếu tố dự báo tích cực kết quả điều trị bệnh. [1]

Tài liệu tham khảo

1. Carrillo de Albornoz A., Montero E., Alonso-Español A, and et.al. (2024), Treatment of peri-implantitis with a flapless surgical access combined with implant surface decontamination and adjunctive systemic antibiotics: A retrospective case series study, Journal of Clinical Periodontology, 51(8), 968–980.
2. Herrera, D., Berglundh, T., Schwarz, F., and et. al. (2023), Prevention and treatment of peri-implant diseases—The EFP S3 level clinical practice guideline, Journal of Clinical Periodontology, 50(S26), 4–76.
3. Roccuzzo, M., Mirra, D. & Roccuzzo (2024), A. Surgical treatment of peri-implantitis, Br Dent J, 236, 803–808.
4. Scarano A, Khater AGA, Gehrke SA, and et. al. (2023), Current Status of Peri-Implant Diseases: A Clinical Review for Evidence-Based Decision Making, Journal of Functional Biomaterials, 14(4), 210. 

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA