SKĐS – Rất nhiều thuốc có thể gây tổn thương gan, trong đó có một số loại thuốc kháng sinh. Vậy cách nhận biết tổn thương gan do thuốc như thế nào, có phòng ngừa được không?
1. Tổn thương gan do thuốc là gì?
Gan đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý các chất dinh dưỡng và thuốc cũng như làm sạch máu. Nếu gan không hoạt động tốt, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Tổn thương gan do thuốc là tổn thương xảy ra do sử dụng hoặc lạm dụng thuốc hoặc chất bổ sung.
Nguyên nhân gây tổn thương gan do thuốc bao gồm:
- Dùng thuốc khiến gan dễ bị tổn thương
- Đã bị bệnh gan và dùng thuốc có thể gây hại thêm cho gan
Tổn thương gan do thuốc (DILI) có thể được phân loại là tổn thương tế bào gan, ứ mật hoặc cả hai.
Các biểu hiện của tổn thương gan do thuốc:
- Vàng da
- Khó chịu
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Chán ăn không rõ nguyên nhân…
Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây tổ thương gan.
2. Một số thuốc kháng sinh có thể gây tổn thương gan
Thuốc kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Một số loại kháng sinh có liên quan đến tổn thương gan, bao gồm:
– Isoniazid: Đây là thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh lao (TB), thường được dùng phối hợp với các loại thuốc lao khác.
Điều trị bằng isoniazid thường liên quan đến sự gia tăng nhẹ, thoáng qua và không có triệu chứng về nồng độ aminotransferase trong huyết thanh, nhưng quan trọng hơn, isoniazid là nguyên nhân gây tổn thương gan cấp tính rõ ràng trên lâm sàng, có thể nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
Nhiễm độc gan do isoniazid hiếm gặp ở trẻ em (nhưng vẫn xảy ra và có thể gây tử vong). Các yếu tố nguy cơ khác là bệnh gan từ trước (viêm gan B hoặc C), sử dụng đồng thời với rifampin hoặc pyrazinamide, nghiện rượu… Thời gian điển hình để bắt đầu chấn thương dao động từ 2 tuần đến 6 tháng, nhưng có thể dài (một năm) và ngắn nhất (một tuần).
Khởi phát thường ngấm ngầm và giống như viêm gan siêu vi cấp tính với giai đoạn báo trước là buồn nôn, chán ăn, khó chịu ở bụng và mệt mỏi, sau đó là nước tiểu sẫm màu và vàng da.
– Metronidazol: Metronidazole là một chất diệt khuẩn dẫn xuất nitroimidazole được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng kỵ khí và một số động vật nguyên sinh và ký sinh trùng. Metronidazole có liên quan đến các trường hợp hiếm gặp của tổn thương gan cấp tính rõ ràng trên lâm sàng. Trong những trường hợp điển hình, quá trình phục hồi có thể diễn ra sau 1 đến 3 tháng.
– Amoxicillin/clavulanate (Augmentin): Đây là một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng xoang, họng và đường thở (viêm phế quản). Tổn thương gan do loại kháng sinh này có thể xảy ra ngay sau khi bắt đầu dùng và có thể kéo dài. Các dấu hiệu tổn thương gan thường được phát hiện ngay cả sau khi bệnh nhân ngừng thuốc.
Tổn thương gan do amoxicillin-clavulanate thường liên quan đến vàng da, có thể nặng và kéo dài (vàng da kéo dài từ 4 đến 24 tuần), nhưng hiếm khi dẫn đến tổn thương lâu dài hoặc tử vong.
– Azithromycine: Thuốc kháng sinh này được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Chúng bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp như: Viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, viêm phế quản, các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV…
- Nhiễm trùng da và các mô mềm khác
- Nhiễm trùng tai
- Viêm kết mạc do vi khuẩn (mắt hồng)
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục bao gồm Chlamydia…
Azithromycin cũng được sử dụng dự phòng để ngăn ngừa nhiễm trùng tim ở những người có thủ thuật nha khoa hoặc các thủ thuật khác và để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Azithromycin thường được kê đơn thay thế cho penicillin cho những người bị dị ứng với penicillin. Ngoài ra, thuốc đôi khi cũng được kê đơn để điều trị mụn trứng cá vừa đến nặng.
Azithromycin làm tăng transaminase (là các enzym nội bào, thường tăng khi có thương tổn tế bào gan). Các bất thường về test chức năng gan ở người bệnh điều trị azithromycin thường hồi phục, nhưng nếu cao nhiều, phải ngừng thuốc.
-Tetracyclin: Là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cả mụn trứng cá. Một trong những bất lợi của thuốc là độc với gan cùng với suy giảm chức năng thận.
– Clindamycin: Là thuốc kháng sinh được sử dụng cho nhiều tình trạng nhiễm khuẩn và gây tăng transaminase gan hồi phục được.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng ngừa tổn thương gan.
3. Phòng ngừa tổn thương gan do thuốc như thế nào?
Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là sử dụng thuốc hợp lý theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng và lạm dụng thuốc trong điều trị. Ngoài ra, việc nhận biết sớm tình trạng nhiễm độc gan và ngừng thuốc gây ngộ độc gan là điều cần thiết để điều trị.
Gan thường bắt đầu phục hồi trong vòng vài tuần sau khi ngừng thuốc gây ra tổn thương. Thông thường, quá trình phục hồi hoàn toàn diễn ra trong vòng hai đến ba tháng, nhưng điều này có thể khác nhau tùy theo từng người. Trong thời gian này, người bệnh có thể được chăm sóc hỗ trợ thêm.
Nếu bệnh gan do thuốc dẫn đến suy gan tối cấp, cần phải điều trị tích cực các biến chứng và cuối cùng có thể phải ghép gan.
Các triệu chứng tổn thương gan sẽ khác nhau ở mỗi người. Chúng có thể xuất hiện ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tổn thương gan do thuốc có thể mất vài tháng hoặc vài năm để trở nên rõ ràng.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, xem có bị tổn thương hay không. Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây tổn thương gan khác, mới kết luận bạn bị tổn thương gan do thuốc.
Nếu gan bị tổn thương do thuốc, cần ngừng dùng thuốc đó và tránh bất kỳ các thuốc, đồ ăn thức uống… có thể làm tổn thương gan như rượu…
(Nguồn Suckhoedoisong.vn)