Viêm nha chu đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính, đa yếu tố, làm phá hủy dần các cấu trúc hỗ trợ xung quanh răng bao gồm mất hỗ trợ mô nha chu, mất bám dính lâm sàng, mất xương ổ răng thể hiện trên hình ảnh X-quang,… Theo hệ thống phân loại mới năm 2017, viêm nha chu được phân loại dựa trên giai đoạn và mức độ của bệnh với viêm nha chu giai đoạn III, độ C được biết đến là viêm nha chu tiến triển theo phân loại cũ. [4]

Điều trị nha chu nhằm mục đích loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, hạn chế và ngăn ngừa viêm nhiễm. Cạo vôi răng và làm sạch chân răng (hay còn gọi là phương pháp cơ học) là phương pháp điều trị không phẫu thuật thường được thực hiện đầu tiên để kiểm soát viêm nha chu trên bệnh nhân. Tuy nhiên, trong viêm nha chu, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào mô nha chu sâu nên việc sử dụng phương pháp cơ học là chưa đủ. [3]

Nhiều bài báo, nghiên cứu khoa học đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh (metronidazole, spiramycin) như liệu pháp bổ trợ cho phương pháp cơ học [5, 6]. Ngoài sử dụng kháng sinh, phương pháp laser cũng mang lại nhiều lợi ích trong điều trị nha chu nhờ khả năng loại bỏ vôi răng, cho tác dụng chống cầm máu và khả năng diệt khuẩn gây bệnh nha chu. Có nhiều loại tia laser được sử dụng trong điều trị nha chu bao gồm laser đi-ốt bán dẫn với bước sóng từ 610-980nm hoặc laser Nd:YAG với bước sóng 1064nm. [2] Tuy nhiên, vôi và mảng bám răng không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt chân răng nên phương pháp laser được xem như một liệu pháp bổ sung cho phương pháp cơ học trong điều trị nha chu. [7]

Nghiên cứu so sánh hiệu quả phương pháp laser và sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm nha chu giai đoạn III, độ C

Nghiên cứu lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên, thông qua theo dõi các thông số lâm sàng trước và sau điều trị nhằm so sánh hiệu quả của phương pháp laser và sử dụng kháng sinh (metronidazole kết hợp spiramycin) trong điều trị viêm nha chu giai đoạn III, độ C.

Tiêu chuẩn lựa chọn mẫu nghiên cứu: bệnh nhân có sức khỏe toàn thân tốt, 15-35 tuổi, không sử dụng bất kỳ kháng sinh nào trong vòng 3 tháng trước đó và được chẩn đoán viêm nha chu nặng với thông số mất bám dính lâm sàng (CAL) ≥ 5mm, độ sâu túi khi thăm dò (PD) ≥ 6mm và mất xương tốc độ nhanh thể hiện trên hình ảnh X-quang.

Tiêu chuẩn loại trừ mẫu nghiên cứu: tiền sử hút thuốc lá, sử dụng nước súc miệng có chứa chất kháng khuẩn trong vòng 3 tuần trước đó, còn < 20 răng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Nghiên cứu thực hiện trên 50 bệnh nhân được chia thành 2 nhóm (mỗi nhóm 25 bệnh nhân):

  • Nhóm 1 (nhóm thử nghiệm): được cạo vôi răng và làm sạch chân răng, sau đó dùng phương pháp laser (980nm);
  • Nhóm 2 (nhóm đối chứng): được cạo vôi răng và làm sạch chân răng kết hợp với sử dụng kháng sinh đường toàn thân (metronidazole và spiramycin).

Theo dõi, đánh giá các thông số lâm sàng: CAL (mất bám dính lâm sàng); PPD (độ sâu túi nha chu). Đánh giá kết quả vi sinh: lấy mẫu dịch kẽ nướu (ở khu vực sâu nhất của túi nha chu) để phân tích số lượng 2 vi khuẩn liên quan đến viêm nha chu nặng (Aggregatibacter actinomycetemcomitans, Porphyromonas gingivalis) được thực hiện ở thời điểm ban đầu trước điều trị, 1 tháng và 3 tháng sau điều trị.

Kết quả

PPD giảm đáng kể ở thời điểm sau điều trị so với thời điểm ban đầu ở cả 2 nhóm. Mức giảm PPD trung bình của nhóm đối chứng (7.0mm xuống 3.0mm) nhiều hơn so với nhóm thử nghiệm (7.0mm xuống 4.0mm), tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê. (Chi tiết xem tại Hình 1.)

Hình 1. Độ sâu túi thăm dò (PD) của nhóm sử dụng phương pháp laser (Test) và nhóm sử dụng kháng sinh (Control) tại 3 thời điểm: trước điều trị, 1 tháng và 3 tháng sau điều trị.

CAL ở thời điểm sau điều trị cải thiện so với trước điều trị ở cả 2 nhóm. Nhóm đối chứng có cải thiện mức mất bám dính lâm sàng trung bình (7.0 mm xuống còn 2.0 mm) nhiều hơn so với nhóm thử nghiệm (7.0 mm xuống 4.0 mm), tuy nhiên chưa có ý nghĩa thống kê. (Chi tiết xem tại Hình 2.)

Hình 2. Mức mất bám dính (AL) của nhóm sử dụng phương pháp laser (Test) và nhóm sử dụng kháng sinh (Control) tại 3 thời điểm: trước điều trị, 1 tháng và 3 tháng sau điều trị.

Trong dịch kẽ nướu, cả 2 nhóm đều giảm số lượng vi khuẩn Aggregatibacter actinomycetemcomitansPorphyromonas gingivalis sau 1 tháng điều trị. Trong đó, nhóm đối chứng giảm vi khuẩn gây bệnh nhanh chóng hơn so với nhóm thử nghiệm. Sau 3 tháng điều trị, vi khuẩn giảm đều trong nhóm thử nghiệm và tăng nhẹ trong nhóm đối chứng. (Chi tiết xem tại Hình 3.)

Hình 3. Số lượng vi khuẩn gây bệnh nha chu (Porphyromonas gingivalis – bên trái; Aggregatibacter actinomycetemcomitans – bên phải) của nhóm sử dụng phương pháp laser (Test) và nhóm sử dụng kháng sinh (Control) tại 3 thời điểm: trước điều trị, 1 tháng và 3 tháng sau điều trị.

Phương pháp laser và sử dụng kháng sinh đường uống tác dụng toàn thân (metronidazole kết hợp spiramycin) đều mang lại hiệu quả như một liệu pháp bổ sung cho phương pháp cơ học trong điều trị viêm nha chu giai đoạn III mức độ C.

  • Sử dụng kháng sinh đường uống toàn thân: được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu, bài báo khoa học về cải thiện các thông số lâm sàng trong điều trị viêm nha chu.
  • Phương pháp laser: được xem là liệu pháp bổ sung thay thế cho sử dụng kháng sinh nhằm tránh tình trạng vi khuẩn đề kháng và tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh. [1]

Tóm lại, cả 2 phương pháp trên đều mang lại hiệu quả trong điều trị viêm nha chu. Do đó, việc lựa chọn liệu pháp bổ sung cho phương pháp cơ học trong điều trị viêm nha chu cần xét trên nhiều yếu tố như tình trạng vi khuẩn đề kháng hoặc tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh hoặc chi phí và kỹ thuật điều trị khi sử dụng phương pháp laser.

Tài liệu tham khảo

1. Anwar SK, Hafez AM, Roshdy YS (2024), Clinical and microbiological efficacy of intra-pocket application of diode laser in grade C periodontitis: a randomized controlled clinical trial, BMC Oral Health, 24(1), pp. 270.
2. Cobb CM (2006), Lasers in periodontics: a review of the literature, J Periodontol, 77(4), pp. 545-64.
3. Mombelli A, Schmid B, Rutar A, and et.al (2000), Persistence patterns of Porphyromonas gingivalis, Prevotella intermedia/nigrescens, and Actinobacillus actinomyetemcomitans after mechanical therapy of periodontal disease, J Periodontol, 71(1), pp.14-21.
4. Papapanou PN, Sanz M, et al (2018), Periodontitis: Consensus report of Workgroup 2 of the 2017 World Workshop on the Classification of Periodontal and Peri-Implant Diseases and Conditions, J Periodontol, 89(1), pp. S173–S182. 
5. Quee TC, Roussou T, Chan EC (1983), In vitro activity of rodogyl against putative periodontopathic bacteria, Antimicrob Agents Chemother, 24(3), pp. 445–7.
6. Rotzetter PA, Le Liboux A, Pichard E, and et.al. (1994), Kinetics of spiramycin/metronidazole (Rodogyl) in human gingival crevicular fluid, saliva and blood, J Clin Periodontol, 21(9), pp. 595–600.
7. Tucker D, Cobb CM, Rapley JW, and et.al (1996), Morphologic changes following in vitro CO2 laser treatment of calculus-ladened root surfaces, Lasers Surg Med, 18(2), pp.150-6.

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA