Năm 1963, metronidazole được chấp thuận sử dụng tại Hoa Kỳ. Thuốc được biết đến là một dẫn chất 5-nitroimidazol có phổ hoạt tính rộng và được chỉ định để điều trị và dự phòng nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm và động vật nguyên sinh. [1] [4]
Cơ chế tác dụng của metronidazole
Khi gặp vi sinh vật nhạy cảm, thuốc khử nhóm nitro chuyển thành anion gốc (dạng hoạt hóa – có khả năng phản ứng cao) nhắm vào mục tiêu và phá hủy protein lớn, DNA vi khuẩn (gây mất cấu trúc xoắn ốc và làm đứt gãy sợi DNA), ức chế tổng hợp acid nucleic dẫn đến chết tế bào vi khuẩn. Tế bào động vật có vú (tế bào người) không kích hoạt được metronidazole, do đó thuốc không gây độc tính trên người. [4] [8]
Cơ chế hoạt động cụ thể của thuốc thông qua 4 bước:
- Thuốc xâm nhập bằng cách khuếch tán qua màng tế bào của vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí.
- Kích hoạt quá trình khử thuốc, thay đổi cấu trúc hóa học và thúc đẩy hình thành gốc tự do gây độc tế bào.
- Dạng hoạt hóa tương tác gây đứt gãy chuỗi DNA và làm mất tính ổn định của chuỗi xoắn DNA.
- Thuốc phân hủy các sản phẩm gây độc tế bào. [9]
Dược động học
Hấp thu
- Hấp thu nhanh và hoàn toàn bằng đường uống.
Phân bố
- Metronidazole phân bố tốt vào mô và dịch cơ thể.
- Thuốc có thể qua nhau thai và vào sữa với nồng độ xấp xỉ nồng độ trong huyết tương.
- Tỷ lệ thuốc liên kết với huyết tương thấp (khoảng 20%).
Chuyển hóa
- Chuyển hóa chủ yếu qua gan tạo chất chuyển hóa dạng hydroxy (có tác dụng trên vi khuẩn và động vật nguyên sinh) và dạng glucuronid.
Thải trừ
- Nửa đời thải trừ trung bình của thuốc khoảng 6-8 giờ, có thể kéo dài đến 10,3 -29,5 giờ ở người suy giảm chức năng gan, không bị ảnh hưởng ở người có suy giảm chức năng thận.
- Trên 90% liều dùng được thải trừ qua thận trong vòng 24 giờ chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa.
- Khoảng 14% liều dùng thải trừ qua phân. [1] [3] [8]
Liều dùng
Trong điều trị nhiễm vi khuẩn kỵ khí:
- Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: uống 1g – 1,5g/ngày, chia thành 2-3 lần uống/ngày.
- Trẻ em: uống 20-30mg/kg/ngày.
- Trẻ em từ 6-10 tuổi: uống 375mg/ngày. Dạng thuốc metronidazol nhũ dịch uống là thích hợp hơn đối với nhóm trẻ em lứa tuổi này.
- Trẻ em từ 11-15 tuổi: uống 500mg/ngày. [2]
- Tổng liều tối đa không nên vượt quá 4g trong 24 giờ. Đợt điều trị 7-10 ngày. [1]
Tác dụng phụ
- Một số tác dụng phụ thường gặp như đắng miệng, vị kim loại, buồn nôn, tiêu chảy, tác động giống disulfiram (đỏ mặt, hồi hộp, tim nhanh, buồn nôn) khi dùng chung với rượu, nước tiểu có màu nâu hơi đỏ hoặc sẫm màu. [1] [3]
- Metronidazole chuyển hóa nhiều qua hệ thống enzyme CYP450 (đặc biệt là CYP3A4) dẫn đến nhiều tương tác thuốc.
- Sử dụng metronidazole có thể dẫn đến phản ứng dị ứng (tái phát khi dùng lại) gây tổn thương gan, là nguyên nhân dẫn đến suy gan và tử vong nhưng rất hiếm xuất hiện trên lâm sàng. [4]
Chống chỉ định
Người có tiền sử quá mẫn với metronidazole hoặc các dẫn chất nitroimidazole khác. [1]
Thận trọng
- Thuốc cho tác động giống disulfiram (đỏ mặt, tim đập nhanh, hồi hộp, buồn nôn) nên không dùng đồ uống hoặc các chế phẩm thuốc chứa cồn 24 giờ trước liều đầu hoặc 48 giờ sau liều cuối của metronidazole. [3]
- Thận trọng dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ. [9]
- Thuốc bài tiết vào sữa mẹ nên ngừng cho trẻ bú khi dùng thuốc. [1]
- Bệnh nhân mắc hội chứng Cockayne không nên dùng metronidazole. [4]
Tương tác thuốc
- Chế phẩm chứa cồn: metronidazole cho tác động giống disulfiram.
- Thuốc cảm ứng enzyme (phenytoin, rifampicin): làm giảm nồng độ metronidazole.
- Phenytoin, warafin, carbamazepin: tăng nồng độ khi dùng chung với metronidazole. [1] [3]
Cảnh báo về dùng thuốc
Bệnh nhân suy gan, cao tuổi làm giảm độ thanh thải dẫn đến tăng thời gian bán thải thuốc cần điều giảm liều và theo dõi nồng độ thuốc trong huyết thanh. [6] [8]
Giám sát sau khi sử dụng thuốc
- Theo dõi chặt chẽ đối với bệnh nhân cao tuổi, suy gan nặng, bệnh thận giai đoạn cuối.
- Theo dõi công thức máu toàn phần, triệu chứng thần kinh sau khi sử dụng thuốc. [9]
TÁC DỤNG BỔ TRỢ CỦA METRONIDAZOLE TRONG LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÔNG PHẪU THUẬT VIÊM QUANH IMPLANT
Bệnh quanh implant bao gồm viêm niêm mạc, viêm quanh implant liên quan đến màng sinh học, ảnh hướng đến mô cứng và mô mềm quanh implant, gây mất khả năng hỗ trợ xương xung quanh implant và giảm quá trình tích hợp xương.
Sự hình thành màng sinh học là yếu tố gây mất hỗ trợ xương quanh implant. Bệnh quanh implant được cho là do sự xâm nhập của vi khuẩn chủ yếu là các vi khuẩn gram âm kỵ khí như Porphyromonas gingivalis, Prevotella intermedia, Tannerella forsythia,….
Kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân được dùng làm biện pháp bổ trợ cho điều trị bằng phẫu thuật trong điều trị.
Điều trị không phẫu thuật kết hợp với metronidazole làm giảm độ sâu túi khi thăm dò trong điều trị các tổn thương quanh implant tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. [6]
Nghiên cứu trên 32 bệnh nhân được chẩn đoán viêm quanh implant. Tất cả bệnh nhân đều có một đợt cắt bỏ mô không phẫu thuật và được chia đều thành 2 nhóm: nhóm sử dụng metronidazole và nhóm sử dụng giả dược (nhóm đối chứng).
Kết quả: Sau 12 tháng tháng theo dõi, có sự cải thiện đáng kể các thông số lâm sàng, Xquang và vi sinh khi sử dụng metronidazole như một liệu pháp hỗ trợ cho điều trị viêm quanh implant không phẫu thuật. Nhóm dùng metronidazole cho kết quả tốt về khả năng giảm độ sâu túi thăm dò (PDD) (2.53mm so với 1.02mm) và tăng bám dính lâm sàng (CAL) (2.14mm so với 0.53mm) so với nhóm dùng giả dược. [5]
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam
- Thông tin tờ hướng dẫn sử dụng Flagyl 250mg.
- Trần Thị Thu Hằng (2024), Dược lực học tái bản lần thứ 27, Nhà xuất bản thanh niên 2024, trang 780.
- Bethesda (MD): National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (cập nhật ngày 20/02/2020), Metronidazole, LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet].
- Blanco C, Pico A, Dopico J and et.al. (2022), Adjunctive benefits of systemic metronidazole on non-surgical treatment of peri-implantitis. A randomized placebo-controlled clinical trial, J Clin Periodontol. ,49(1), pp. 15-27.
- Brian E. Scully (1988), Metronidazole, Medical Clinics of North America, 72(3), pp. 613-621.
- López-Valverde N, López-Valverde A, Blanco-Rueda JA (2023), Efficacy of adjuvant metronidazole therapy on peri-implantitis: a systematic review and meta-analysis of randomized clinical studies, Front Cell Infect Microbiol, 13, 1149055.
- National Center for Biotechnology Information (2024). PubChem Compound Summary for CID 4173, Metronidazole. Retrieved April 17, 2024
- Weir CB, Le JK (Updated 2023 Jun 26), Metronidazole, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.