Suy gan tác động lên quá trình dược động học của thuốc do đó ảnh hưởng đến tính an toàn khi sử dụng thuốc. Theo LiverTox, trang web được tạo bởi Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận (The National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Disease – NIDDK), sử dụng “Likelihood score” (điểm khả năng) dùng để phân loại khả năng gây tổn thương gan do thuốc bao gồm 7 loại:
- Loại A: Thuốc nổi tiếng và được mô tả hoặc báo cáo gây tổn thương gan trực tiếp, có dấu hiệu đặc trưng với hơn 50 trường hợp.
- Loại B: Thuốc được báo cáo, được biết hoặc rất có khả năng gây tổn thương gan, có dấu hiệu đặc trưng với 12-50 trường hợp.
- Loại C: Thuốc có thể liên quan đến tổn thương gan đặc trưng, đã được báo cáo bất thường nhưng không có dấu hiệu đặc trưng với ít hơn 12 trường hợp.
- Loại D: có báo cáo nhưng chưa thuyết phục, không có dấu hiệu đặc trưng với ít hơn 3 trường hợp.
- Loại E: Thuốc không được tin hoặc không có khả năng gây tổn thương gan.
- Loại E*: Thuốc chưa được chứng minh nhưng nghi ngờ gây tổn thương gan.
- Loại X: Không xác định. [6]
Metronidazole được biết đến là kháng sinh nhóm nitro-imidazole được chỉ định trong dự phòng và điều trị nhiễm trùng vi khuẩn kỵ khí và động vật nguyên sinh. Metronidazole thuộc điểm khả năng loại C trong phân loại khả năng gây tổn thương gan do thuốc. Cơ chế gây tổn thương gan cấp tính của metronidazole có thể do phản ứng miễn dịch của cơ thể và tái phát nhanh sau khi dùng lại. [7]
Rất hiếm xảy ra trường hợp nhiễm độc gan do metronidazole. Một số trường hợp nhiễm độc gan không hồi phục nghiêm trọng và suy giảm chức năng gan cấp tính trên bệnh nhân mắc hội chứng Cockayne. Hội chứng Cockayne là rối loạn di truyền NST lặn hiếm gặp do khiếm khuyết sửa chữa DNA với một số triệu chứng như chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, da và tóc mỏng, da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời,… Chống chỉ định sử dụng metronidazole trên bệnh nhân mắc hội chứng Cockayne. [2], [4]
Spiramycin là kháng sinh nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn rộng, đặc biệt là khả năng chống lại vi khuẩn Gram dương. Spiramycin không thuộc 4 kháng sinh macrolid đường uống có liên quan đến tổn thương gan (gây tổn thương tế bào gan, ứ mật). [1], [5]
Tổn thương gan do thuốc (Drug-induced liver injury-DILI)
Tổn thương gan do thuốc là một phản ứng cấp hoặc mãn tính với tỷ lệ mắc hằng năm khoảng 15 đến 20 trong 100.000 người sử dụng thuốc[3]. DILI được phân thành 2 loại:
- DILI nội tại: độc tính gan do thuốc phụ thuộc liều và có thể dự đoán trước. Ví dụ: trường hợp của paracetamol.
- DILI đặc ứng: độc tính gan do thuốc không phụ thuộc liều, biểu hiện đa dạng và ít xảy ra hơn so với DILI nội tại. [1]
Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu lâm sàng thường gặp như vàng da, xét nghiệm cận lâm sàng có tăng cao nồng độ các aminotransferase và phosphat kiềm tăng (ALP). Sinh thiết tế bào gan dùng để loại trừ các nguyên nhân khác gây bệnh về gan. [3]
Một số cơ chế dẫn đến tổn thương gan do thuốc bao gồm:
- Làm suy giảm trực tiếp cấu trúc và chức năng toàn vẹn của gan, ví dụ: rối loạn chức năng ty thể;
- Hình thành chất chuyển hóa làm thay đổi cấu trúc, chức năng tế bào gan;
- Hình thành chất chuyển hóa liên kết với protein ở gan;
- Hình thành phức hợp thuốc-protein có tính kháng nguyên, là mục tiêu tấn công của hệ thống miễn dịch của cơ thể;
- Làm xuất hiện phản ứng quá mẫn toàn thân gây tổn thương gan,… [1]
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tổn thương gan do thuốc bao gồm: giới tính nữ, tuổi già (do tăng sử dụng thuốc kê đơn ở bệnh nhân trên 50 tuổi), chỉ số khối cơ thể (BMI) cao. Hiện nay, hơn 1.000 loại thuốc và hợp chất thảo dược được biết đến có khả năng gây độc cho gan. Trong đó:
- Thuốc kháng sinh (chiếm 45.4%): phổ biến nhất là amoxicillin – acid clavulanic;
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
- Thảo dược và thực phẩm bổ sung (chiếm 16.1%),… [3]
Trong báo cáo trường hợp về tình trạng nhiễm độc gan nghiêm trọng liên quan đến sử dụng metronidazole và spiramycin cho thấy nguy cơ xuất hiện và cơ chế gây nhiễm độc gan thứ phát hiện chưa được biết và chưa rõ ràng. Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc và ngừng thuốc ngay lập tức nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng liên quan đến tăng nồng độ các aminotranferase trong huyết thanh. [8]
Điều chỉnh liều metronidazole trên bệnh nhân suy gan
- Đối với bệnh nhân suy gan nặng (Child-Pugh độ C): khuyến cáo giảm 50% liều dùng trên bệnh nhân suy gan nặng (phòng tránh nguy cơ tăng tích tụ và nhiễm độc tính gan tiềm ẩn do chuyển hóa thuốc chậm).
- Đối với bệnh nhân suy gan nhẹ đến trung bình (Child-Pugh độ A và B): Không cần hiệu chỉnh liều.
- Bệnh nhân suy gan thuộc bất kỳ giai đoạn nào cũng cần thường xuyên theo dõi và kiểm ra chức năng gan định kỳ. [2]
Tài liệu tham khảo
1. Đàm Thị Thanh Hương, Lương Anh Tùng (truy cập ngày 04/11/2024), Tổng quan về tổn thương gan do thuốc, Trung tâm DI & ADR Quốc gia. http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/181
2. FDA (truy cập ngày 02/11/2024), Flagyl, Drugs@FDA: FDA-Approved Drugs. Available from: https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2024/012623s072lbl.pdf
3. Francis P, Navarro VJ (Updated 2024 Sep 10), Drug-Induced Hepatotoxicity, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
4. Hafsi W, Saleh HM (Updated 2024 Jan 11), Cockayne Syndrome, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
5. LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet], Bethesda (MD): National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (Updated 2017 Aug 10), Macrolide Antibiotics. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548398/
6. LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet], Bethesda (MD): National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (Updated 2019 May 4), Categorization Of The Likelihood Of Drug Induced Liver Injury. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548392/
7. LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet], Bethesda (MD): National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (Updated 2020 Feb 20), Metronidazole. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548609/
8. Rola H., Mustapha E., Ola G., and et.al. (2011), Severe hepatotoxicity associated with the combination of spiramycin plus metronidazole, Arab Journal of Gastroenterology, 12(1), Pages 44-47.