Theo định nghĩa của WHO, béo phì được xác định khi chỉ số khối cơ thể (BMI) > 30 kg/m2. Theo báo cáo dinh dưỡng toàn cầu, khảo sát trên đối tượng người trưởng thành tại Việt Nam, cho thấy khoảng 3.3% nữ giới và 2.2% nam giới mắc béo phì [7]. Ngoài ra, theo khảo sát quốc gia từ năm 2009 đến 2015, tình trạng người trưởng thành thừa cân và béo phì chiếm 15.6% đến gần 30% [4]. Do đó, tại Việt Nam, béo phì được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng được quan tâm, đặc biệt đối với trẻ em và dân thành thị. Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (Non-communicable disease –NCDs) như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… [5]
Viêm nha chu được biết đến là tình trạng viêm mạn tính, đa yếu tố của mô và các cấu trúc nâng đỡ quanh răng. Theo khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia tại Hoa Kỳ từ năm 2009-2014 cho thấy viêm nha chu thường gặp ở những người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên. Viêm nha chu thường tiến triển chậm và mạn tính, nếu không được điều trị có thể dẫn đến phá hủy xương ổ răng hoặc thậm chí là mất răng. [1]
Béo phì được biết đến là yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh nha chu cũng như ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị nha chu. Béo phì liên quan đến viêm nha chu thông qua:
- Tình trạng viêm mạn tính: ở người béo phì, mô mỡ tiết một số cytokine gây trầm trọng tình trạng viêm nha chu như IL-6, TNF-a.
- Phản ứng stress oxy hóa: béo phì làm tăng sản xuất các oxy phản ứng (ROS) làm tổn thương tế bào, gây viêm các mô nha chu làm suy yếu quá trình hồi phục, tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu.
- Đề kháng insulin: kháng insulin làm thay đổi chuyển hóa glucose và phản ứng viêm dẫn đến phá hủy mô nha chu.
- Tế bào ức chế khối u có nguồn gốc dòng tủy (Myeloid-derived suppressor cells (MDSCs).
- Yếu tố nội tiết: liên quan đến hormon do mô mỡ tiết ra (Adipokine).
- Rối loạn cân bằng nội môi xương. [2],[6]
Nghiên cứu mối liên hệ giữa béo phì và bệnh nha chu
Ru Jia và cộng sự (2023) đã nghiên cứu mô tả mối quan hệ giữa viêm nha chu và rối loạn chuyển hóa lipid trên bệnh nhân béo phì. Nghiên cứu thực hiện trên 112 bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đại học Giao thông Tây An, chia thành 3 nhóm: nhóm có trọng lượng cơ thể bình thường (18,5<BMI<25; 36 người), nhóm thừa cân (25≤ BMI<30; 38 người), nhóm béo phì (BMI≥ 30; 38 người). [3]
Kết quả
- Tỷ lệ người không mắc viêm nha chu cao nhất ở nhóm có trọng lượng cơ thể bình thường. Tỷ lệ mắc viêm nha chu nặng (giai đoạn III và IV) ở nhóm người béo phì cao hơn so với nhóm người có trọng lượng cơ thể bình thường.
- Các thông số lâm sàng như độ sâu túi nha chu, mức bám dính lâm sàng, nồng độ các cytokine gây viêm trong dịch kẽ nướu ở nhóm béo phì cao hơn so với nhóm có trọng lượng cơ thể bình thường.
- Dựa trên mô hình hồi quy logistic đa biến của viêm nha chu cho thấy tình trạng viêm nha chu có liên quan đến BMI, nồng độ triglyceride, các adipokine như visfatin và leptin.
Tài liệu tham khảo
1. Eke PI, Thornton-Evans GO, Wei L, Borgnakke WS (2018), Periodontitis in us adults: National health and nutrition examination survey 2009-2014, J Am Dent Assoc, 149:576–88.E6.
2. Jagannathachary S, Kamaraj D (2010), Obesity and periodontal disease, J Indian Soc Periodontol, 14(2):96-100.
3. Jia, R., Zhang, Y., Wang, Z. et. al. (2023), Association between lipid metabolism and periodontitis in obese patients: a cross-sectional study, BMC Endocr Disord, 23, 119.
4. Tung Pham, Linh Bui, Edward Giovannucci (2023), Prevalence of obesity anf abdominal obesity and their association with metabolic-related conditions in Vietnamese adults: an analysis of Vietnam STEPS survey 2009 and 2015, The Lancet Regional Health – Western Pacific, 39, 100859.
5. Van Minh H, Khuong DQL, Tran TA (2023), Childhood Overweight and Obesity in Vietnam: A Landscape Analysis of the Extent and Risk Factors, Inquiry, 60:00469580231154651.
6. Zhao P, Xu A, Leung WK (2022), Obesity, Bone Loss, and Periodontitis: The Interlink, Biomolecules, 12(7):865.
7. Global nutrition report (truy cập ngày 07/10/2024), Viet Nam – The burden of malnutrition at a glance, https://globalnutritionreport.org/resources/nutrition-profiles/asia/south-eastern-asia/viet-nam/