Dinh dưỡng được biết đến là yếu tố quan trọng đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Theo báo cáo dinh dưỡng toàn cầu về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam cho thấy ở trẻ dưới 5 tuổi có khoảng 19.6% bị thấp còi và 5.2% bị thừa cân. Về chế độ ăn, 70% dân số Việt Nam tiêu thụ vi chất dinh dưỡng ít hơn so với khuyến cáo.  [2] [3]

Hình 1. Thống kê thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn tại Việt Nam [4]


Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng dinh dưỡng và bệnh nha chu cũng như ảnh hưởng của chế độ ăn đối với sự khởi phát và tiến triển bệnh nha chu. Trong đó, một số vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, canxi, kẽm và polyphenol được chứng minh là ngăn ngừa bệnh nha chu. [1]

Hình 2. Mối liên hệ giữa một số yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh đối với bệnh nha chu và một số bệnh mạn tính (Chú thích: Mức độ bằng chứng đã được hệ thống hóa: cao (●●●●) khi hiệu quả thực sự nằm gần với ước tính hiệu quả, vừa phải (●●●○) khi có khả năng gần với ước tính hiệu quả, nhưng có khả năng nó khác biệt đáng kể, thấp (●●○○) khi có thể khác biệt đáng kể so với ước tính hiệu ứng và rất thấp (●○○○) khi có khả năng khác biệt đáng kể so với ước tính hiệu quả.) [1]

Tác động của chất dinh dưỡng đa lượng (carbohydrate, protein và chất béo) đối với bệnh nha chu

Carbohydrate

Tùy thuộc vào bản chất carbohydrate sẽ cho tác động đến bệnh nha chu khác nhau.

  • Sử dụng đường và carbohydrate tinh chế thúc đẩy quá trình viêm trong bệnh nha chu: glucose tác động lên các tế bào dây chằng nha chu bằng cách thúc đẩy quá trình chết theo chu trình và ức chế quá trình tăng sinh.
  • Sử dụng nhiều đường làm tăng tỷ lệ mắc bệnh nha chu lên gấp 1.42 lần. Ngược lại, nguy cơ nhiễm trùng nướu giảm 50% nếu giảm tiêu thụ carbohydrate trong chế độ ăn kiêng trong 4 tuần.
  • Lượng chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây trong chế độ ăn tỷ lệ nghịch với tỷ lệ mắc bệnh nha chu.

Chất béo

Nghiên cứu cho thấy sử dụng lượng ít chất béo (chiếm 23.2% tổng năng lượng) sẽ có tác động tích cực đến bệnh nha chu. Ngoài tổng lượng chất béo tiêu thụ, bản chất của chất béo sử dụng cũng là một yếu tố cần xem xét khác. Sử dụng acid béo bão hòa chuỗi ngắn và trung bình (bao gồm 4-12 carbon – SFA) làm tăng stress oxy hóa, một phản ứng có liên quan đến bệnh nha chu. Acid béo omega-3 (acid béo không bão hòa đa) cho tác động tích cực đến bệnh nha chu.

Tác động của vi chất dinh dưỡng đối với bệnh nha chu

Vitamin

Vitamin đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe nha chu và phòng ngừa bệnh nha chu:

  • Vitamin A duy trì tính toàn vẹn của tế bào biểu mô;
  • Tăng nồng độ vitamin B12 trong huyết thanh có liên quan đến việc giảm một số thông số lâm sàng của bệnh nha chu (PPD, CAL);
  • Vitamin C có hoạt tính chống lại các oxy phản ứng, liên quan đến sự khởi phát và tiến triển viêm nướu.

Khoáng chất

  • Canxi: một số nghiên cứu cho thấy lượng canxi hấp thu >585mg/ngày có thể giúp tỷ lệ mắc bệnh nha chu thấp hơn;
  • Kẽm: có đặt tính chống oxy hóa, loại bỏ các oxy phản ứng và trung hòa độc tố vi khuẩn. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp có liên quan đến khả năng mắc bệnh nha chu.

Polyphenol

Polyphenol có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Một số nghiên cứu cho thấy polyphenol có tác động tích cực trong phòng ngừa và điều trị bệnh nha chu.

Tác động của probiotic và prebiotic đối với bệnh nha chu

Một số bằng chứng cho thấy probiotic và prebiotic có tác động tích cực đến sức khỏe nha chu.

  • Probiotic: một số chế phẩm sinh học chứa lợi khuẩn thuộc chủng Lactobacillus cho tác động tích cực đến các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nha chu, làm giảm nồng độ các mầm bệnh nha chu chính. Tuy nhiên, để duy trì lợi ích trên cần sử dụng men vi sinh liên tục.
  • Prebiotic: được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ trong điều trị nha chu không phẫu thuật khi phối hợp Saccharomyces boulardii với prebiotic (fructo-oligosaccharide) tỉ lệ 4:1.
Hình 3. Mối liên hệ giữa chất dinh dưỡng đối với nguy cơ mắc bệnh nha chu (Chú thích: Nguy cơ mắc bệnh nha chu tăng lên được biểu thị bằng ký hiệu ↑ và nguy cơ mắc bệnh nha chu giảm được biểu thị bằng ký hiệu ↓. Mức độ bằng chứng đã được hệ thống hóa: cao (●●●●), vừa phải (●●●○), thấp (●●○○) và rất thấp (●○○○).) [1]

Tài liệu tham khảo

1. Martinon P, Fraticelli L, Giboreau A, and et.al. (2021), Nutrition as a Key Modifiable Factor for Periodontitis and Main Chronic Diseases, J Clin Med, 10(2):197.
2. Tran VK, Spohrer R, LE TD, and et.al. (2015), Micronutrient Deficiency Control in Vietnam from Policy and Research to Implementation: Keys for Success, Challenges and Lessons Learned, J Nutr Sci Vitaminol (Tokyo), 61 Suppl:S198-200. 
3. Global nutrition report, Viet Nam – The burden of malnutrition at a glance, https://globalnutritionreport.org/resources/nutrition-profiles/asia/south-eastern-asia/viet-nam/
4. Tufts University (Published online 2019), Global Dietary Database, Available at: https://www.globaldietarydatabase.org/data-download. Accessed 16 November 2022

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA