Bệnh nha chu đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính mô mềm và các cấu trúc hỗ trợ xung quanh răng do tích tụ vi khuẩn trên màng sinh học trong khe nướu. Bệnh có liên quan đến một số bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, bệnh tim mạch xơ vữa,… Một số vi khuẩn thường gặp trong viêm nha chu như Porphyromonas gingivalis, Tannerella forsythia, Treponema denticola. Bệnh nha chu nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất răng. Điều trị nha chu không phẫu thuật là bước đầu tiên trong điều trị viêm nha chu. Viêm nha chu bắt nguồn do hình thành mảng bám răng, do đó, mục tiêu đầu tiên trong điều trị viêm nha chu là loại bỏ và kiểm soát mảng bám bao gồm:

  • Điều trị nguyên nhân gây bệnh: lấy cao răng và xử lý bề mặt chân răng bằng tay hoặc máy.
  • Kiểm soát yếu tố nguy cơ: hiệu quả điều trị không phẫu thuật có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân như đái tháo đường, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch, stress, béo phì,… [1], [2]

Theo số liệu thống kê của WHO năm 2022, Việt Nam hiện có tỉ lệ người lớn (≥15 tuổi) hút thuốc lá cao, đặc biệt là nam giới chiếm 47.8% [3]. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh nha chu, ảnh hưởng đến tần suất và mức độ trầm trọng của bệnh cũng như kết quả điều trị bệnh. Ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với bệnh nha chu bao gồm:

  • Làm điều trị nha chu dễ thất bại.
  • Khó quản lý chặt chẽ bệnh nha chu trên bệnh nhân trong giai đoạn duy trì.

Hút thuốc lá ảnh hưởng đến bệnh nha chu thông qua một số cơ chế như sau:

  • Giảm tưới máu nướu răng, hạn chế cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cũng như loại bỏ các sản phẩm đào thải.
  • Ức chế đáp ứng miễn dịch, đặc biệt là quá trình viêm.
  • Ức chế phục hồi cấu trúc và chức năng nha chu.
  • Gây loạn khuẩn, tăng khả năng lây nhiễm hệ vi khuẩn đường miệng.

-> Do đó, hút thuốc lá làm suy yếu quá trình làm vết thương và đẩy nhanh tiến triển bệnh nha chu. [2]

Ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với đáp ứng điều trị nha chu không phẫu thuật bao gồm:

  • Ảnh hưởng các chỉ số lâm sàng: giảm độ sâu túi và đạt bám dính lâm sàng ít hơn bệnh nhân không hút thuốc lá, đặc biệt ở những vị trí túi sâu ≥7 mm và các răng hàm trên.
  • Ảnh hưởng sự thay đổi vi khuẩn dưới nướu: giảm một số vi khuẩn gây bệnh nha chu như Porphyromonas gingivalis, Treponema denticola, Tannerella forsythiaAggregatibacter actinomycetemcomitans trong mảng bám dưới nướu thấp hơn bệnh nhân không hút thuốc lá.
  • Ảnh hưởng đến sự thay đổi trong đáp ứng miễn dịch – viêm: giảm nồng độ dấu ấn sinh học như men tiêu hủy collagen (MMP-8) dịch nướu ở nhóm không hút thuốc lá nhiều hơn. [1]

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với hiệu quả điều trị viêm nha chu [1]

Nghiên cứu được thực hiện trên 40 bệnh nhân nam viêm nha chu (20 bệnh nhân hút thuốc lá và 20 bệnh nhân không hút thuốc lá) đến khám tại khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2018. Thu thập mẫu nước bọt, mảng bám dưới nướu tại 4 thời điểm đánh giá T0, T1, T2, T3 (tương ứng với thời điểm trước khi điều trị, sau khi điều trị 1,2,3 tháng) và mẫu dịch nướu tại 2 thời điểm T0 và T3.

Kết quả

  • Tình trạng hút thuốc lá của nhóm hút thuốc lá trong nghiên cứu: số điều thuốc hút trung bình là 12.5 điếu/ngày, thời gian hút thuốc lá trung bình là 19 năm, trong quá trình nghiên cứu có 7 bệnh nhân giảm hút thuốc lá nhưng không bỏ thuốc lá hoàn toàn.
  • So sánh sự thay đổi các chỉ số lâm sàng tại các thời điểm sau điều trị: tại vị trí lẫy mẫu, nhóm không hút thuốc lá có đáp ứng giảm độ sâu túi nha chu và tăng bám dính lâm sàng nhiều hơn nhóm hút thuốc lá tại thời điểm sau điều trị.
Hình 1. So sánh sự thay đổi các chỉ số lâm sàng tại vị trí lấy mẫu trong các thời điểm sau điều trị [1]
  • So sánh hiệu quả giảm mức độ vi khuẩn phức hợp đỏ (gồm 3 loài vi khuẩn Porphyromonas gingivalis, Tennerella forsythiaTreponema denticola – những vi khuẩn liên quan đến nguyên nhân gây bệnh nhất) giữa 2 nhóm sau điều trị viêm nha chu: số vị trí âm tính với phức hợp vi khuẩn đỏ của nhóm hút thuốc lá tương tự với nhóm không hút thuốc lá. Tuy nhiên, nhóm hút thuốc lá có mức độ vi khuẩn phức hợp đỏ nhiều hơn nhóm không hút thuốc lá sau 3 tháng điều trị.

Hình 2. So sánh hiệu quả giảm mức độ vi khuẩn phức hợp đỏ sau điều trị. [1]
  • So sánh hiệu quả giảm nồng độ bạch cầu trung tính nước bọt: trước điều trị, nồng độ bạch cầu trung tính trong nước bọt ở nhóm không hút thuốc lá nhiều hơn nhóm hút thuốc lá. Hiệu quả giảm nồng độ bạch cầu trung tính trong nước bọt ở nhóm không hút thuốc lá nhiều hơn sau khi điều trị.
Hình 3. So sánh nồng độ bạch cầu trung tính (BCTT) trong nước bọt tại thời điểm trước điều trị.[1]
Hình 4. So sánh hiệu quả giảm nồng độ bạch cầu trung tính (BCTT) trong nước bọt tại thời điểm sau điều trị. [1]
  • So sánh hiệu quả giảm nồng độ men tiêu hủy collagen (MMP-8) trong dịch nướu sau điều trị: giảm nồng độ MMP-8 ở nhóm không hút thuốc lá.
Hình 5. So sánh mức giảm nồng độ men tiêu hủy collagen (MMP-8) trong dịch nướu so trước điều trị tại thời điểm sau điều trị 3 tháng. [1]

Tóm lại, hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến tiến triển bệnh nha chu cũng như kết quả điều trị nha chu không phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thu Hằng (2021), Đánh giá ảnh hưởng của hút thuốc lá trên hiệu quả điều trị viêm nha chu qua kết quả lâm sàng, vi khuẩn và miến dịch, Luận án tiến sĩ y học trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Silva H (2021), Tobacco Use and Periodontal Disease—The Role of Microvascular Dysfunction, Biology, 10(5):441.
3. WHO (Cập nhật ngày 18 tháng 11 năm 2022), Oral Health Viet Nam 2022 country profile, https://www.who.int/publications/m/item/oral-health-vnm-2022-country-profile

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA