Bệnh nha chu là tình trạng viêm mạn tính mô mềm và các cấu trúc hỗ trợ xung quanh răng bắt nguồn do tích tụ mảng bám răng. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tiến triển bệnh nha chu như hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường,… Tuy nhiên, có một yếu tố nguy cơ khác của bệnh nha chu được đề cập trong thời gian gần đây chính là tình trạng căng thẳng (hay còn được gọi là stress). Trong một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp từ 2017-2022 thu thập được tổng cộng 532 bài báo nghiên cứu về mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh nha chu, kết quả cho thấy căng thẳng tâm lý có tương quan tỉ lệ thuận với bệnh nha chu. Do đó, căng thẳng tâm lý được xem là một yếu tố nguy cơ gây viêm nha chu. [1]

Căng thẳng (stress) là một phản ứng sinh lý của cơ thể đối với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Theo thống kê WHO, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến tại Việt Nam là 14.2%, trong đó, rối loạn trầm cảm chiếm 2.45%. Stress được chứng minh là có ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến sức khỏe nha chu như sau:

  • Ảnh hưởng trực tiếp: căng thẳng làm giảm lưu lượng nước bọt, thay đổi phản ứng miễn dịch cơ thể.
  • Ảnh hưởng gián tiếp: căng thẳng dẫn đến các hành vi, các thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, sử dụng rượu, chế độ ăn uống không đúng cách, bỏ bê vệ sinh răng miệng, kém tuân thủ chăm sóc răng miệng.

Căng thẳng làm giảm lưu lượng nước bọt

Trong khoang miệng, nước bọt có nhiều chức năng như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, làm sạch, bôi trơn răng và niêm mạc miệng cũng như làm môi trường đệm giúp duy trì pH trung tính trong khoang miệng. Tuyến nước bọt được kiếm soát dưới hoạt động của hệ phó giao cảm. Căng thẳng dẫn đến kích thích giao cảm chiếm ưu thế làm giảm lưu lượng nước bọt dẫn đến gián tiếp gây ảnh hương tiêu cực đến sức khỏe nha chu.

Căng thẳng làm thay đổi tuần hoàn máu nướu

Căng thẳng làm co mạch máu dẫn đến giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng ở mô nướu.

Căng thẳng làm thay đổi phản ứng miễn dịch

Căng thẳng kích hoạt trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận dẫn đến tiết một số hormone như corticotropin và vasopressin dẫn đến kích thích tuyến thượng thận giải phóng cortisol và glucocorticoid làm suy giảm khả năng miễn dịch do đó nướu dễ bị nhiễm trùng. [1], [3], [4], [5]

Căng thẳng làm tăng nồng độ một số cytokine như IL-1beta và IL-6 dẫn đến tăng phản ứng viêm. [2]

Hình 1. Căng thẳng làm thay đổi phản ứng miễn dịch [2]
Hình 2. Mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng tâm lý và bệnh nha chu [2]

Tài liệu tham khảo

1. Corridore D, Saccucci M, Zumbo G, and et.al. (2023), Impact of Stress on Periodontal Health: Literature Revision, Healthcare (Basel), 11(10):1516.
2. Goyal S, Gupta G, Thomas Band et.al. (2013), Stress and periodontal disease: The link and logic!!, Ind Psychiatry J, 22(1):4-11. 
3. Macrì M, D’Albis G, D’Albis V, and et.al. (2024), Periodontal Health and Its Relationship with Psychological Stress: A Cross-Sectional Study, J Clin Med, 13(10):2942.
4. Mathieu Gunepin, Florence Derache, Marion Trousserland, and et.al. (2018), Impact of chronic stress on periodontal health, J Oral Med Oral Surg, 24, 40-55.1.
5. WHO, Mental health in Viet Nam, https://www.who.int/vietnam/health-topics/mental-health

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH HÔ HẤP

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ĐIỀU TRỊ VIÊM NHA CHU GIAI ĐOẠN III, ĐỘ C: SO SÁNH HIỆU QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP LASER VÀ SỬ DỤNG KHÁNG SINH

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA

ADR CỦA MỘT SỐ KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ NHA KHOA