Sử dụng kháng sinh cùng với rượu có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng độc tính/ADR của thuốc. Hậu quả của tương tác trên được phân thành 3 loại:
- Thay đổi dược độc học và dược lực học (PK/PD) của kháng sinh và/hoặc rượu.
- Thay đổi hiệu quả kháng khuẩn.
- Tăng độc tính. [1]
Metronidazole là kháng sinh thuộc nhóm Nitro-imidazole có tác động trên vi khuẩn kỵ khí và ký sinh trùng. Tương tác giữa metronidazole và rượu được phân vào nhóm tương tác gây tăng độc tính. Cụ thể, việc sử dụng rượu ở người đang điều trị bằng metronidazole có thể dẫn đến phản ứng giống disulfiram. Phản ứng giống disulfiram được biết với một số triệu chứng như đỏ bừng, buồn nôn, nôn, đau đầu,…[3]. Tuy nhiên, dựa trên nhiều tài liệu y khoa và bài báo nghiên cứu khoa học, việc sử dụng metronidazole và rượu dẫn đến phản ứng giống disulfiram hiện đang có nhiều dữ liệu gây tranh cãi về hậu quả của tương tác trên. [1]
Báo cáo ca lâm sàng về phản ứng giống disulfiram khi sử dụng metronidazole cùng chế phẩm có chứa cồn
Một báo cáo trường hợp về tương tác thuốc giữa metronidazole và chế phẩm Prednisone Intensol có chứa cồn.
Thông tin bệnh nhân: bệnh nhân nữ, 14 tuổi, nhập viện với chẩn đoán nhiễm trùng đường hô hấp trên và tiêu chảy ra máu 1 ngày. Bệnh nhân được lấy mẫu phân và được nuôi cấy tìm nguyên nhân gây bệnh cho kết quả xét nghiệm độc tố C. difficile dương tính.
Tiền sử bệnh: hội chứng Pallister-Killian, bại não, hen suyễn và cắt bỏ ruột non, đang sử dụng máy thở và ống thông dạ dày.
Thuốc uống tại nhà: hỗn dịch uống famotidine 8mg x 2 lần/ngày.
Thông tin sử dụng thuốc trên bệnh nhân như sau:
- Ngày 1: bệnh nhân được chỉ định metronidazole trong điều trị tiêu chảy do C. difficile.
- Ngày 10, bệnh nhân được chỉ định thêm dung dịch Prednisone Intensol 15mg x 2 lần/ngày qua đường ống ăn.
- Ngày 11, bệnh nhân xuất hiện một số triệu chứng như kích động, trướng bụng, nhịp tim nhanh 100-133 nhịp/phút.
- Ngày 12 – ngày 15, ngưng sử dụng Prednisolone Intensol do nghi ngờ bệnh nhân có phản ứng giống disulfiram vì có cồn trong chế phẩm.
- Ngày 16, bệnh nhân không còn đau bụng, không còn triệu chứng của phản ứng giống disulfiram và được xuất viện.
Nghiên cứu không nhận thấy phản ứng giống disulfiram khi sử dụng đồng thời metronidazole và rượu
Visapää J-P và cộng sự (2002) đã tiến hành nghiên cứu mù đôi có đối chứng được thực hiện trên 12 người nam khỏe mạnh được chia thành 2 nhóm: sử dụng metronidazole 200mg x 3 lần/ngày và sử dụng giả dược trước khi uống rượu. Kết quả cho thấy metronidazole không làm tăng nồng độ acetaldehyde trong máu hoặc dẫn đến phản ứng giống disulfiram ở người được sử dụng rượu sau đó. [5]
Cảnh báo về tương tác thuốc của metronidazole và alcohol
Theo Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health – NIH) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo người tiêu dùng tránh uống rượu cùng metronidazole. [1]
Theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Rodogyl, sử dụng đồng thời metronidazole cùng alcohol có trong đồ uống hoặc các chế phẩm thuốc khác dẫn đến tác dụng chống lạm dụng với một số triệu chứng như nóng, đỏ bừng, nôn ói, tim đập nhanh. Do đó, không sử dụng alcohol cho đến khi thuốc được thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể (ít nhất 3 ngày). [1], [4]
Tóm lại, sử dụng metronidazole cùng alcohol có thể dẫn đến phản ứng giống disulfiram trên một số nhóm đối tượng nhất định với các triệu chứng như đỏ bừng, buồn nôn, đau đầu,… Do đó, cần tránh sử dụng metronidazole với đồ uống hoặc chế phẩm thuốc khác chứa cồn trong vòng ít nhất 3 ngày.
Tài liệu tham khảo
1. Mergenhagen KA, Wattengel BA, Skelly MK, and et.al. (2020), Fact versus Fiction: a Review of the Evidence behind Alcohol and Antibiotic Interactions, Antimicrob Agents Chemother, 64(3):e02167-19.
2. Miljkovic V, Arsic B, Bojanic Z, and et.al. (2014), Interactions of metronidazole with other medicines: a brief review, Pharmazie, 69(8):571-7.
3. Steel B., Wharton C., Metronidazole and alcohol, Br Dent J 229, 150–151.
4. Thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Rodogyl
5. Visapää J-P, Tillonen JS, Kaihovaara PS, and et.al. (2002), Lack of Disulfiram-Like Reaction with Metronidazole and Ethanol, Annals of Pharmacotherapy, (6):971-974.