Metronidazole là kháng sinh nhóm Nitroimidazole có phổ kháng khuẩn trên vi khuẩn kỵ khí là chủ yếu. Trong khi đó, Spiramycin là kháng sinh nhóm Macrolid có phổ kháng khuẩn trên vi khuẩn hiếu khí và đặc biệt là khả năng phân bố nhiều vào mô lợi và xương ổ răng, nước bọt,… Do đó, Metronidazole và Spiramycin được biết đến là những kháng sinh sử dụng trong điều trị nhiễm trùng răng miệng.

Năm 2005, Pierre-Pascal Poulet và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu so sánh tác dụng của kháng sinh Metronidazole phối hợp Spiramycin với Metronidazole liều cao trong điều trị viêm nha chu trên mô hình in-vivo. Nghiên cứu được thực hiện trên 18 bệnh nhân chia làm 2 nhóm như sau:

  • Nhóm Metronidazole/Spiramycin (10 bệnh nhân): sử dụng Metronidazole/Spiramycin với liều 250mg/1.500.000IU x 3 lần/ngày, sử dụng trong 6 ngày.
  • Nhóm Metronidazole liều cao (8 bệnh nhân): sử dụng Metronidazole liều 500mg/lần x 3 lần/ngày, sử dụng trong 6 ngày.
  • Mẫu nghiên cứu được thu thập bằng cách dùng đầu giấy vô trùng đưa nhẹ nhàng vào rãnh dưới nướu sau khi làm sạch mảng bám dưới nướu trong ngày đầu tiên, ngày thứ 6 và ngày thứ 30 sau khi sử dụng thuốc. Điểm gãy MIC được xác định với Metronidazole là 8mg/L và Spiramycin là 32mg/L.

Kết quả:

  • Về hoạt tính diệt khuẩn in-vivo: tất cả  vi khuẩn bị diệt trừ trong ngày thứ 6 trong nhóm sử dụng Metronidazole/Spiramycin (ngoại trừ Capnocytophaga spp.và A.actinomycetemcomitans). Tất cả các vi khuẩn bị diệt trừ trong ngày thứ 6 trong nhóm sử dụng Metronidazole liều cao (trừ Capnocytophaga spp., E.corodens, P.intermedia).
  • Về hiệu quả lâm sàng cho thấy có cải thiện và ổn định tình trạng bám dính lâm sàng ở cả hai nhóm.
  • 3 bệnh nhân nhóm Metronidazole liều cao được báo cáo gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, phát ban ở da trong khi không có trường hợp được báo cáo ở nhóm sử dụng Metronidazole/Spiramycin (với p=0.07).
  • Vi khuẩn P.intermedia trong nhóm sử dụng Metronidazole liều cao thường xuyên tái phát hơn nhóm sử dụng Metronidazole. [1]
Hình 1. Vi khuẩn được phân lập trước, trong và sau quá trình điều trị [1]

Theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong xử lý các trường hợp khẩn sưng, đau răng liên quan đến tủy răng và viêm quanh chóp của ADA năm 2019, bệnh nhân có hoại tử tủy, áp xe quanh chóp cấp tính có hoặc không có bệnh hệ thống có thể sử dụng kháng sinh. Trong đó, Metronidazole được sử dụng với liều cao 500mg/lần x 3 lần/ngày trong 7 ngày. [2]

Hình 2. Hướng dẫn xử lí, điều trị tình trạng sưng đau khẩn trong bệnh lý nhiễm trùng răng miệng theo ADA 2019 [2]

Tóm lại, phối hợp Metronidazole/Spiramycin trong điều trị viêm nha chu đem lại một số lợi ích sau:

– Thuốc cho tác động hiệp lực: tác động trên vi khuẩn gây bệnh tương đương với khi dùng dạng đơn lẻ liều cao, giảm tái phát một số chủng vi khuẩn.
– Giảm tác dụng phụ khi dùng dạng đơn độc liều cao. 
– Phân bố tập trung tại nơi tác động (khoang răng miệng).

Tài liệu tham khảo:

1. Piere-Pascal Poulet, Danielle Duffaut, Pierre Barthet (2005), Concentrations and invivo antibacterial activity of spiramycin and metronidazole in patients with periodontitis treated with high-dose metronidazole and the spiramycin/metronidazole combination, Journal of Antimicrobial Chemotherapy, 55, pp. 347-351.

2. Peter B. Lockhart, Malavika P. Tampi, Elliot Abt (2019), Evidence-based clinical practice guideline on antibiotic use for the urgent management of pulpal- and periapical-related dental pain and intraoral swelling, The Journal of the American Dental Association, 150 (11), pp. 906-921.

Tin cùng chuyên mục

MỐI LIÊN HỆ GIỮA HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NHA CHU

MỐI LIÊN HỆ GIỮA HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH NHA CHU

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH NHA CHU VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BỆNH NHA CHU VÀ BIẾN CỐ TIM MẠCH

BỆNH NHA CHU VÀ BIẾN CỐ TIM MẠCH