Loại bỏ mảng bám răng bằng phương pháp cơ học (cạo vôi răng, làm nhẵn răng) là bước quan trọng trong điều trị viêm nha chu. Ngoài ra, kháng sinh toàn thân (amoxicillin, metronidazole) được cho là có liên quan đến một số chỉ số nguy cơ làm tiến triển bệnh nha chu như độ sâu túi thăm dò (PPD), số lượng túi nha chu còn lại,… Sử dụng kháng sinh toàn thân được xem là có tác dụng hỗ trợ cho phương pháp cơ học trong điều trị viêm nha chu. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể dẫn đến vi khuẩn đề kháng kháng sinh và làm giảm hiệu quả của thuốc.
Theo hướng dẫn thực hành lâm sàng cấp độ S3 của Liên đoàn nha chu Châu Âu (EFP), việc sử dụng kháng sinh toàn thân như một biện pháp hỗ trợ trong điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào tình trạng viêm nha chu được phân loại dựa trên giai đoạn và mức độ viêm nha chu. Patrizia và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu để so sánh 2 tiêu chí xác định sử dụng kháng sinh toàn thân trong điều trị viêm nha chu, bao gồm tiêu chí dựa trên phát hiện vi khuẩn Aggregatibacter actinomycetemcomitans (Aa) và tiêu chí dựa trên tuổi và mức độ nghiêm trọng của viêm nha chu (Age/PPD). Nghiên cứu được thực hiện trên 425 bệnh nhân của khoa Nha chu ở Đức từ năm 2008 đến 2018.
Tiêu chí sử dụng kháng sinh theo Age/PPD trong nghiên cứu bao gồm các nội dung như sau:
Sử dụng kháng sinh | Không sử dụng kháng sinh |
Bệnh nhân dưới 56 tuổi; PPD ≥ 5mm ở ít nhất 35% vị trí. Bệnh nhân viêm nha chu dưới 36 tuổi trước đây có chẩn đoán mắc viêm nha chu xâm lấn. | Bệnh nhân trên 56 tuổi. |
Kết quả
Dựa vào thay đổi số lượng răng có vị trí có độ sâu túi thăm dò (PPD) ≥ 6mm giữa 2 thời điểm: thời điểm ban đầu (T0) và thời điểm đánh giá lại (T1) ở các nhóm khác nhau để đánh giá hiệu quả của sử dụng kháng sinh. Kết quả cho thấy việc sử dụng phương pháp cơ học làm giảm đáng kể số lượng răng có túi sâu khi thăm dò.
Có 9 răng không còn PPD ≥ 6mm ở nhóm Aa+ có sử dụng kháng sinh, tương tự với nhóm phân loại theo Age/PPD+ không sử dụng kháng sinh cho thấy kê đơn kháng sinh sau khi thực hiện phương pháp cơ học ở bệnh nhân phân loại nhóm Age/PPD mang lại nhiều lợi ích hơn so với bệnh nhân phân loại dựa trên kết quả vi sinh nhóm Aa.
Theo hướng dẫn thực hành lâm sàng cấp độ S3 của Liên đoàn nha chu Châu Âu (EFP) về điều trị viêm nha chu giai đoạn I-III (2020) và nghiên cứu của Eickholz và cộng sự (2023) cho thấy bệnh nhân viêm nha chu giai đoạn III, mức độ C được hưởng lợi nhiều nhất khi sử dụng kháng sinh toàn thân sau khi thực hiện phương pháp cơ học.
Nghiên cứu từ 2008-2018 của Patrizia và cộng sự cho thấy đa số bệnh nhân mắc viêm nha chu giai đoạn III (202) và giai đoạn IV (223) trên tổng số 425 bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhân viêm nha chu giai đoạn III, mức độ C. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân viêm nha chu thuộc nhóm phân loại theo Age/PPD+ là 39.7 ± 10.8 tuổi, thấp hơn nhiều so với bệnh nhân thuộc nhóm phân loại theo Aa+ là 50.2 ± 13.8 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân có PPD ≥ 5mm tại thời điểm ban đầu nghiên cứu ở nhóm phân loại theo Age/PPD+ cao hơn nhóm phân loại theo Aa+ lần lượt là 41,2% và 27,0% cho thấy viêm nha chu nặng thường gặp ở bệnh nhân trẻ hơn. Viêm nha chu nặng ở bệnh nhân trẻ tuổi là dấu hiệu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tăng lên và khả năng tiến triển bệnh nhanh hơn. Do đó, bệnh nhân trẻ tuổi mắc viêm nha chu mức độ C có thể được hưởng lợi nhiều từ việc sử dụng kháng sinh như một biện pháp hỗ trợ cho điều trị viêm nha chu không phẫu thuật so với bệnh nhân lớn tuổi mắc viêm nha chu có mức độ nghiêm trọng tương đương.
Tóm lại, tuổi và mức độ nghiêm trọng của viêm nha chu là tiêu chí quyết định sử dụng kháng sinh như biện pháp hỗ trợ cho phương pháp cơ học, giúp duy trì được nhiều răng trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, chưa xác định rõ phạm vi độ tuổi của bệnh nhân trẻ hưởng lợi từ việc sử dụng kháng sinh như một biện pháp hỗ trợ trong điều trị viêm nha chu bằng phương pháp cơ học.
Tài liệu tham khảo
1. Eickholz, P., Koch, R., Gode, M., and et. al.(2023), Clinical benefits of systemic amoxicillin/metronidazole may depend on periodontitis stage and grade: An exploratory sub-analysis of the ABPARO trial, Journal of Clinical Periodontology, 50, 1239–1252.
2. Mariano Sanz, David Herrera, Moritz Kebschull (2020), Treatment of stage I–III periodontitis—The EFP S3 level clinical practice guideline , Journal of Clinical Periodontology, 47(S22), pp. 4-60.
3. Winkler, P. C., Benz, L., Nickles, K., and et.al.(2024), Decision-making on systemic antibiotics in the management of periodontitis: A retrospective comparison of two concepts, Journal of Clinical Periodontology, 51(9), 1122–1133.