Theo Liên đoàn Nha chu Châu Âu, viêm nha chu được đặc trưng bởi sự phá hủy dần dần cấu trúc nâng đỡ răng. Đặc điểm của viêm nha chu bao gồm mất hỗ trợ mô nha chu thông qua mất bám dính lâm sàng (CAL), mất xương ổ răng (đánh giá thông qua X-quang), xuất hiện túi nha chu, chảy máu nướu. Việc điều trị viêm nha chu tùy thuộc vào phân loại viêm nha chu theo giai đoạn và mức độ tiến triển nhưng nhìn chung bao gồm điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật. Việc sử dụng kháng sinh là biện pháp bổ trợ cho liệu pháp điều trị viêm nha chu không phẫu thuật đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là đem lại hiệu quả lâm sàng. [1]
Kháng sinh metronidazole và spiramycin được biết đến là các kháng sinh điều trị nhiễm trùng răng miệng. Nhiều bài báo trước đây đã nghiên cứu tác dụng của hai kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng răng miệng. Chính vì thế, Chin Quee và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tác động của metronidazole và spiramycin trong điều trị bệnh nha chu. Nghiên cứu được thực hiện trên 50 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm như sau:
- Nhóm thực nghiệm (26 bệnh nhân): bệnh nhân được lấy cao răng, làm nhẵn chân răng và sau đó sử dụng Rodogyl (3 viên x 2 lần/ngày, dùng trong 14 ngày).
- Nhóm đối chứng (24 bệnh nhân): bệnh nhân được lấy cao răng, làm nhẵn chân răng và sau đó sử dụng giả dược với số lượng, số lần dùng và thời gia dùng giống như nhóm thực nghiệm.
Bệnh nhân được lựa chọn dựa vào tiêu chí chọn mẫu. Trong thời gian nghiên cứu, tất cả bệnh nhân không được dùng kháng sinh, nước súc miệng có chứa flour hay chất kháng khuẩn. Nghiên cứu được đánh giá sau 14 ngày, 1 tháng và định kỳ mỗi tháng cho đến khi hết 6 tháng dựa trên một số thống số lâm sàng và tỷ lệ xoắn khuẩn trong mảng bám nướu (yếu tố chẩn đoán quan trọng trong dự đoán khả năng phá hủy nha chu trong tương lai.
Kết quả:
- Nhóm thực nghiệm đạt mức bám dính lâm sàng tốt hơn đáng kể từ tháng can thiệp thứ 2 cho đến hết nghiên cứu.
- Tỷ trọng, tỷ lệ xoắn khuẩn trong nhóm thực nghiệm giảm đáng kể sau 14 ngày can thiệp. Sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ xoắn khuẩn trong nhóm thực nghiệm còn 3%, ít hơn so với nhóm đối chứng là 15%. [2]
Nguồn:
- Sanz M, Herrera D, Kebschull M and et.al. (2020), Treatment of stage I-III periodontitis-The EFP S3 level clinical practice guideline, J Clin Periodontol, 22, pp. 4-60.
- Trevor Chin Quee, E.C.S. Chan, C. Clark and et.al (1987), The role of adjunctive Rodogyl therapy in the treatment of advanced periodontal disease, J. Periodontol, 58(9), pp. 594 -601.
Link bài báo nghiên cứu của Chin Quee: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3309251/