Theo thống kê về Gánh nặng bệnh toàn cầu năm 2010, viêm nha chu được biết là bệnh phổ biến thứ 6 trên thế giới với tỷ lệ mắc bệnh là 11,2%. Theo nghiên cứu của Billings và cộng sự năm 2018, tỷ lệ người mắc viêm nha chu nhẹ chiếm khoảng 50%. Viêm nha chu là bệnh viêm mãn tính liên quan đến mất cân bằng vi sinh trong mảng bám răng đặc trưng bởi sự phá hủy các cấu trúc hỗ trợ xung quang răng như mất mô nha chu hỗ trợ (thông qua mất bám dính lâm sàng, mất xương ổ răng), xuất hiện túi nha chu và chảy máu nướu. Có thể dự phòng và điều trị bệnh, tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị có thể tiến triển dẫn đến mất răng, làm tăng chi phí điều trị do tăng nhu cầu thay thế răng bị mất. [2]
Nguyên nhân
Sự xâm nhập của nhiều chủng vi khuẩn có trong mảng bám răng là nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu. [3]
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm nha chu gồm 4 bước được thực hiện theo thứ tự như sau:
- Xác định bệnh nhân nghi ngờ mắc viêm nha chu.
- Xác nhận chẩn đoán viêm nha chu.
- Phân loại viêm nha chu theo giai đoạn.
- Phân loại viêm nha chu theo mức độ. [2]
Phân loại
Theo Liên đoàn Nha chu Châu Âu (EFP), viêm nha chu được phân thành 4 giai đoạn (từ giai đoạn I đến giai đoạn IV) và 3 mức độ (Mức A, B, C).
Viêm nha chu giai đoạn đầu được chẩn đoán dựa trên mất bám dính lâm sàng (CAL) hoặc mất xương trên phim chụp X-quang (RBL). Ngoài ra, viêm nha chu có thể xác định ở giai đoạn cao hơn khi có thêm yếu tố phức tạp kể cả khi chỉ số mất bám dính lâm sàng không tăng. Dựa trên các yếu tố phức tạp để phân biệt viêm nha chu giai đoạn III và giai đoạn IV là chủ yếu. Cần có một yếu tố phức tạp để chẩn đoán viêm nha chu sang giai đoạn cao hơn.
Đối với bệnh nhân sau điều trị, tiêu chí mất bám dính lâm sàng và mất xương trên phim chụp X-quang là những yếu tố quyết định chẩn đoán chính viêm nha chu. Nếu bệnh nhân có giảm các yếu tố phức tạp sau điều trị cũng không chuyển sang viêm nha chu giai đoạn thấp hơn do các yếu tố phức tạp cần được xem xét và theo dõi trong giai đoạn duy trì.
Phân loại viêm nha chu theo mức độ dùng để mô tả tốc độ tiến triển của bệnh. Ban đầu, bác sĩ lâm sàng nên cho rằng bệnh nhân ở mức độ B và tìm kiếm bằng chứng cụ thể liên quan (nếu có) đển chuyển sang mức độ A hoặc C. Sau khi xác định mức độ dựa trên yếu tố tiên quyết, có thể điều chỉnh mức độ dựa trên việc xét các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân. [2]
Điều trị
Điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Điều trị viêm nha chu tổng quan bao gồm:
Bước đầu tiên
Tư vấn, giáo dục bệnh nhân về bệnh.
Kiểm soát mảng bám răng (hướng dẫn thực hành vệ sinh răng miệng, khuyến khích bệnh nhân thay đổi hành vi để cải thiện vệ sinh răng miệng)
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm cai thuốc lá, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.
Bước đầu tiên cần thực hiện trên tất cả bệnh nhân viêm nha chu bất kể giai đoạn nào và bệnh nhân được đánh giá lại thường xuyên.
Bước thứ 2
Điều trị không phẫu thuật nhằm làm giảm hoặc loại bỏ mảng bám răng. Hai bước đầu tiên có thể thực hiện đồng thời nhằm ngăn ngừa tình trạng viêm phát triển thành áp xe nha chu. Bệnh nhân cần đánh giá lại sau khi mô nha chu lành với mục tiêu đích như không có túi nha chu >4 mm cũng như không có chảy máu khi thăm dò hoặc không có túi nha chu sâu ≥6 mm:
- Nếu bệnh nhân đáp ứng: tiến đến quá trình chăm sóc nha chu hỗ trợ.
- Nếu bệnh nhân không đạt được các tiêu chí trên, cân nhắc thực hiện điều trị bước thứ 3.
Một số khuyến cáo trong bước thứ 2 bao gồm:
Khuyến cáo | Sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp dụng cụ cầm tay hoặc máy cạo vôi răng bằng sóng siêu âm. |
Cân nhắc sử dụng | Nước súc miệng chlorhexidine trong khoảng thời gian giới hạn; Kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân trên một số đối tượng bệnh nhân cụ thể (ví dụ bệnh nhân viêm nha chu giai đoạn 3 ở người trưởng thành trẻ tuổi) là liệu pháp hỗ trợ cho phương pháp cơ học. |
Không sử dụng | Tia laser, liệu pháp quang động kháng khuẩn ở bước sóng 660-670nm hoặc 800-900nm; Gel statin tại chỗ, gel metformin tại chỗ; Men vi sinh; Doxycyclin liều dưới mức kháng khuẩn toàn thân; Gel Biphosphonate tại chỗ hoặc toàn thân; Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) tại chỗ hoặc toàn thân; Acid béo không bão hòa đa omega-3 là liệu pháp hỗ trợ cho phương pháp cơ học. |
Bước thứ 3
Điều trị phẫu thuật đối với răng không đáp ứng điều trị ở bước thứ 2 bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu;
- Phẫu thuật ghép mô mềm;
- Phẫu thuật tái tạo mô;
- Phẫu thuật vạt,…
Chăm sóc nha chu hỗ trợ
Chăm sóc nha chu hỗ trợ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng nướu và nha chu của bệnh nhân sau khi điều trị ở các bước trên. Thực hiện chăm sóc nha chu hỗ trợ theo khoảng thời gian đều đặn dựa trên nhu cầu của bệnh nhân. [2]
Khuyến cáo sử dụng kháng sinh toàn thân như liệu pháp hỗ trợ phương pháp cơ học (cạo vôi, đánh bóng răng) trong điều trị viêm nha chu
Theo Liên đoàn Nha chu Châu Âu (EFP): Sử dụng kháng sinh có thể cân nhắc như một biện pháp hỗ trợ trên bệnh nhân trưởng thành trẻ tuổi bị viêm nha chu giai đoạn III có triệu chứng toàn thân.
Theo Hiệp hội Nha chu Anh (BSP): Sử dụng kháng sinh có thể cân nhắc nhủ một biện pháp hỗ trợ trên bệnh nhân trưởng thành trẻ tuổi bị viêm nha chu mức độ C ở nơi có nhiều dữ liệu về viêm nha chu tiến triển.
Theo Hiệp hội Nha chu Đức (DG PARO): Sử dụng kháng sinh có thể cân nhắc nhủ một biện pháp hỗ trợ trên bệnh nhân trẻ tuổi bị viêm nha chu tiến triển toàn thân giai đoạn III hoặc IV tiến triển nhanh. [1]
Tài liệu tham khảo
- European Federation of Periodontology (EFP) (2021), Adolopment: How three national perio societies have implemented the EFP clinical practice guideline for their countries, Perio Insight 15.
- Mariano Sanz, David Herrera, Moritz Kebschull (2020), Treatment of stage I–III periodontitis—The EFP S3 level clinical practice guideline , Journal of Clinical Periodontology, 47(S22), pp. 4-60.
- Mehrotra N, Singh S (updated 2023 May 1), Periodontitis, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.