Viêm quanh thân răng là tình trạng viêm, nhiễm trùng cục bộ mô mềm bao quanh răng hoặc bao phủ lên răng đang mọc hoặc đã mọc một phần. Viêm quanh thân răng chủ yếu liên quan đến răng hàm lớn thứ ba (hay còn được biết đến là răng khôn) nên thường gặp ở nhóm người trẻ có độ tuổi từ 20-29 tuổi. [2]
Nguyên nhân
Viêm quanh thân răng có thể xảy ra ở bất kỳ răng nào đang mọc nhưng thường liên quan cũng như thường gặp ở răng hàm lớn thứ ba hàm dưới. Khoảng không gian được hình thành do mô mềm phủ lên bề mặt răng đang mọc rất khó vệ sinh dẫn đến vi khuẩn phát triển quá mức trong khoảng không gian hạn chế này là nguyên nhân dẫn đến viêm quanh thân răng.
Có nhiều vi khuẩn tham gia trong quá trình viêm mô mềm xung quanh răng. Khác với vi khuẩn gây viêm nha chu, vi khuẩn trong viêm quanh thân răng bao gồm Actinomyces oris, Eikenella corrodens, Eubacterium nodatum, Fusobacterium nucleatum, Treponema denticola và Eubacterium saburreum.
Một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tiến triển bao gồm bệnh nhân suy yếu miễn dịch (người bệnh đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt), căng thẳng, nhiễm trùng hô hấp trên,…[2]
Triệu chứng
Ban đầu, viêm quanh thân răng gây đau và sưng cục bộ tại xương hàm dưới, gần răng hàm thứ ba đang mọc. Sau đó, triệu chứng tiến triển dẫn đến đau lan tỏa đến các cấu trúc xung quanh. Một số triệu chứng khác bao gồm hôi miệng, miệng có vị khó chịu, răng chảy dịch mủ, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng dẫn đến khả năng há miệng bị hạn chế, khó nuốt làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. [2]
Biến chứng
Viêm quanh thân răng nếu không được điều trị sẽ tiến triển, lây lan ổ nhiễm trùng đến các khoang sâu liền kề ở đầu và cổ dẫn đến khó nói, cứng hàm hoặc thậm chí tổn thương đường thở đe dọa tính mạng. [2]
Điều trị
Điều trị viêm quanh thân răng chủ yếu bao gồm:
- Biện pháp tại chỗ: rạch và dẫn lưu ổ nhiễm trùng khi cần thiết, loại bỏ nguyên nhân bằng cách cắt lợi trùm hoặc nhổ răng.
- Kháng sinh: được xem là biện pháp hỗ trợ cho các phương pháp tại chỗ trên đối tượng bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt, sưng cục bộ hoặc lan tỏa nghiêm trọng, viêm mô tế bào hoặc khít hàm. Một số kháng sinh được dùng trong điều trị viêm quanh thân răng bao gồm Metronidazole và Amoxicillin do tác động trên vi khuẩn kỵ khí. Liều dùng đường uống của hai kháng sinh trên trong điều trị viêm quanh thân răng như sau:
Metronidazole:
Người lớn: 400mg/lần x 3 lần/ngày, trong 5 ngày.
Trẻ em 10-17 tuổi: 200-250mg/lần, uống mỗi 8 giờ, trong 5 ngày.
Amoxicillin:
Người lớn: 500mg/lần x 3 lần/ngày, trong 5 ngày. Có thể tăng lên 1g/lần x 3 lần/ngày trong nhiễm trùng nặng.
Trẻ em: 500mg/lần x 3 lần/ngày. Có thể tăng lên 1g/lần x 3 lần/ngày trong nhiễm trùng nặng. [1], [3]
Dự phòng
- Vệ sinh răng miệng tốt: đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa, sử dụng nước súc miệng.
- Nhổ răng hàm lớn thứ ba dự phòng trong trường hợp phát hiện X-quang răng có tiên lượng mọc lệch sang khớp cắn chức năng. [2]
Tài liệu tham khảo
1. Bộ môn Bệnh học miệng Khoa Răng Hàm Mặt (2022), Kê đơn kháng sinh trong răng hàm mặt, Đại học Y Dược TP. HCM.
2. Kwon G, Serra M (Updated 2022 Nov 21), Pericoronitis, In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing.
3. Palmer, N. (Ed) (2020), Antimicrobial Prescribing in Dentistry: Good Practice Guidelines. 3rd Edition. London, UK: Faculty of General Dental Practice (UK) and Faculty of Dental Surgery.